Hoàn thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua ghi nhận nhiều thông tin tích cực như: vốn đầu tư công và vốn FDI đăng ký mới tăng, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu hơn 10 tỷ USD… nhưng tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, dừng sản xuất kinh doanh tăng cao đáng lo ngại. Điều đó cho thấy, nền kinh tế sẽ còn đối diện với nhiều thách thức, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các chính sách về tài chính ngân hàng, thuế…

Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp, người dân. Đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang có vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp thì tổ chức đối thoại ngay với hiệp hội, doanh nghiệp trước ngày 2-6 nhằm làm rõ vướng mắc để chủ động xử lý, giải quyết theo đúng quy định, đúng thẩm quyền, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Việc chỉ đạo hoàn thuế GTGT của Tổng cục Thuế là nhằm cụ thể hóa sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Đặc biệt là sau những kết luận của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, những khó khăn, thách thức và nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm.

Tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao trong việc thực hiện giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp được triển khai trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt thấp (hơn 3,3%); doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khi lãi suất đang neo ở mức cao, dẫn đến thiếu vốn sản xuất, buộc phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Ngoài lãi suất cao, tình trạng chậm hoàn thuế GTGT cũng khiến nhiều doanh nghiệp bị ngành Thuế “giam” hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng tiền thuế GTGT đã ứng ra nộp trước, khiến họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, thậm chí kiệt quệ.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, có đến 88.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây quả là một điều rất đáng lo ngại cho nền kinh tế, nhất là khi chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5%, dù biết rằng, những tác động xấu từ tình hình kinh tế thế giới đối với nước ta là không nhỏ.

Đó chính là lý do Tổng cục Thuế phải có văn bản đốc thúc Cục Thuế các địa phương có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp đúng thời hạn, đúng đối tượng, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Xem đó là một trong những giải pháp cấp bách góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp.

Khẩn trương, quyết liệt hoàn thuế GTGT không chỉ thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay mà còn củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp với công tác chỉ đạo của Chính phủ; sự tích cực của các công cụ điều hành kinh tế, sự đồng bộ trong chính sách phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, hoàn thuế GTGT là một trong những công cụ tài chính rất dễ bị lợi dụng để trục lợi nếu doanh nghiệp có ý đồ gian dối, qua mặt cơ quan Thuế. Điều đó đòi hỏi việc hoàn thuế GTGT phải đảm bảo đúng, trúng, không tạo kẽ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật; lợi dụng chính sách hoàn thuế để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Bởi thực tế thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp ma, không tập trung kinh doanh mà chỉ mua bán hóa đơn khống để nộp hồ sơ xin hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước đã xảy ra không ít với số tiền thuế chiếm đoạt cả hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Nền kinh tế đang khó khăn, tăng trưởng GDP đang chững lại. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang tập trung thảo luận nhiều giải pháp cùng với Chính phủ triển khai linh hoạt các kịch bản điều hành, trong đó có chính sách giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế GTGT 2% cho nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm ứng phó với các tình huống phát sinh, thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu thương mại và dịch vụ, du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu, triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm nay.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.