Hành động vì bình đẳng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Rất khó để có câu trả lời cụ thể hạnh phúc là gì. Nhưng chắc chắn hạnh phúc chỉ có được khi không có tình trạng bạo lực. Đây cũng là nội dung trong chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15-11 đến 15-12) năm nay.

Thông điệp ý nghĩa từ cuộc thi vẽ tranh “Sắc màu bình yên”

Em Rơ Ô Bình-học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) vẽ bức tranh 1 gia đình Jrai trong vòng xoáy bạo lực. Người vợ dang tay che chở 2 con nhỏ trong sự giằng co với người chồng. Nỗi sợ hãi tột độ in hằn trên gương mặt những đứa trẻ. Tuy còn vụng về trong cách thể hiện nhưng thông điệp mà bức tranh mang lại rất rõ ràng.

Bình chia sẻ: “Đây là tác phẩm em tham gia cuộc thi vẽ tranh “Sắc màu bình yên” để lên tiếng đẩy lùi bạo lực gia đình. Bố mẹ em thỉnh thoảng cãi nhau. Mỗi lần như vậy, em rất sợ và buồn. Nếu gia đình xảy ra bạo lực, bố đánh mẹ hoặc đánh con cái, em nghĩ các bạn nhỏ như em đều trong tâm trạng bất an, lo lắng”.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên trao đổi với các cán bộ nữ. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên trao đổi với các cán bộ nữ. Ảnh: Đức Thụy

Chị Rơ Ô H’Cháo-mẹ của Rơ Ô Bình-cho biết: Thông qua tác phẩm của con, chị ý thức hơn việc giữ gìn hạnh phúc và tránh những hành động, lời nói có thể gây tổn thương tâm lý con trẻ.

“Không gia đình nào tránh được những lúc cãi vã, “cơm không lành canh không ngọt”. Muốn giáo dục 1 đứa trẻ không bạo lực thì trước hết gia đình đó phải không có bạo lực. Vì thế, vợ chồng tôi hạn chế to tiếng trước mặt con. Tôi và chồng thống nhất chia sẻ công việc, thông cảm với nhau, nói ra những điều không hài lòng chứ không để dồn nén lâu trong người dễ phát sinh cãi vã, thậm chí bạo hành bột phát. Muốn xóa bỏ bạo lực, hướng tới bình đẳng giới cần nỗ lực từ 2 phía chứ không chỉ với người phụ nữ”-chị H’Cháo cho hay.

Em Rơ Ô Bình-lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Krông Pa) bên tác phẩm tranh về chủ đề phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: Minh Châu

Em Rơ Ô Bình-lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Krông Pa) bên tác phẩm tranh về chủ đề phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: Minh Châu

Cuộc thi vẽ tranh “Sắc màu bình yên” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động nhằm đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình, bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới.

Với 4 chủ đề là sắc cam đẩy lùi bạo lực, cùng lên tiếng phòng-chống bạo lực gia đình, không ai bị bỏ lại phía sau, an sinh xã hội, cuộc thi đã thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, có phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi và cả nam giới. Bức tranh của em Rơ Ô Bình là lát cắt hiện thực về bạo lực gia đình dưới góc nhìn của 1 đứa trẻ, khiến người xem không khỏi suy ngẫm về trách nhiệm của người lớn trong việc xây dựng mái ấm gia đình, xã hội an toàn và bình đẳng.

Mỗi tác giả thể hiện chủ đề cuộc thi bằng những góc nhìn riêng nhưng các tác phẩm đều chuyển tải thông điệp đẩy lùi bạo lực bằng câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương trong gia đình và chia sẻ của cộng đồng xã hội.

Cuộc thi vẽ tranh “Sắc màu bình yên” nhằm đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình, bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới. Ảnh: M.C

Cuộc thi vẽ tranh “Sắc màu bình yên” nhằm đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng gia đình, bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới. Ảnh: M.C

Sau khi xem các tác phẩm xuất sắc được trưng bày tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi vừa diễn ra tại TP. Pleiku, anh Phạm Công Luận (tổ 1, phường An Phước, thị xã An Khê) bày tỏ quan điểm: “Nhiều tác phẩm rất ý nghĩa, khiến người xem không khỏi day dứt về tình trạng bạo lực vẫn còn xảy ra trong nhiều gia đình Việt Nam. Tôi nghĩ tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới cần thu hút đông đảo nam giới tham gia hơn nữa, bởi tình trạng phổ biến là nam giới bạo hành nữ giới. Họ trước tiên phải nhìn thấy hậu quả phía sau những cơn nóng giận của mình”.

Anh Luận cũng cho rằng, để nâng cao nhận thức về vấn đề này, cách rất đơn giản là đàn ông nên chia sẻ việc nhà với vợ. “Vợ tôi làm công tác xã hội nên công việc tương đối bận rộn. Còn tôi làm việc trong ngành xây dựng nên thường xuyên xa nhà. Nhưng hễ về nhà là tôi sẵn sàng lăn vào bếp, dọn dẹp nhà cửa để vợ có thêm chút thời gian dành cho bản thân. Khi có sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau sẽ tạo nên sự gắn kết, yêu thương trong gia đình, không có cơ hội cho tình trạng bạo lực diễn ra”-anh Luận nhấn mạnh.

Tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển

Các chuyên gia cho rằng, gốc rễ sâu xa của tình trạng bạo lực, nhất là bạo lực trên cơ sở giới là do phụ nữ chưa có sự tự chủ về kinh tế và đảm bảo về an sinh xã hội. Từ đó, dễ nhận thấy phụ nữ yếu thế thường là nạn nhân của tình trạng bạo lực. Vì vậy, việc giúp phụ nữ phát triển kinh tế và tiếp cận với các chính sách đảm bảo cho sự phát triển bền vững, phát triển bình đẳng chính là yếu tố mang tính quyết định góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Gia Lai có 6 nữ cán bộ hội cơ sở giỏi được Trung ương Hội LHPN Việt Nam biểu dương. Ảnh: Minh Châu

Gia Lai có 6 nữ cán bộ hội cơ sở giỏi được Trung ương Hội LHPN Việt Nam biểu dương. Ảnh: Minh Châu

Năm 2023, tại Gia Lai đã diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện hỗ trợ, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái. Trong đó, Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội chợ giao lưu kết nối, giới thiệu mô hình phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ là nạn nhân mua bán người.

Sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ mô hình sinh kế đã trở thành điểm tựa giúp những phụ nữ là nạn nhân mua bán người trở về có thể tìm kiếm cơ hội để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hay sự kiện truyền thông “Chuyện bên dòng sông Ba” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh và Hội LHPN huyện Ia Pa tổ chức đã truyền đi hy vọng và khát vọng vươn lên, đấu tranh vì quyền được phát triển bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số.

Mới đây nhất, được sự bảo trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo về giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh khu vực nông thôn tại tỉnh Gia Lai. Bà Lesley Miller-Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã có chuyến khảo sát thực tế các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ người dân tộc thiểu số chưa có nước sạch và nhà vệ sinh của xã Ayun, huyện Chư Sê.

Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, do những đặc trưng về giới nên phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi nhất khi không có nước sạch và vệ sinh. UNICEF và Bộ Nông nghiệp và PTNT gần đây đã thực hiện nghiên cứu ban đầu về tình trạng tiếp cận nước sạch ở Gia Lai.

“Trong nhiều phát hiện, chúng tôi nhận thấy tác động của dịch vụ cấp nước và vệ sinh kém khiến sức khỏe, an ninh thể chất và khả năng tạo thu nhập của phụ nữ gặp rủi ro. Do đó, nếu được hỗ trợ kiến thức, nguồn lực tốt hơn về nước sạch và vệ sinh, phụ nữ có thể bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của chính mình cũng như cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. UNICEF sẵn sàng tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam và tỉnh Gia Lai trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em. Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái chính là thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”-bà Lesley Miller cho biết.

Bà Lesley Miller-Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam (thứ 2 từ trái qua) khảo sát tình trạng tiếp cận nước sạch của phụ nữ khó khăn xã Ayun, huyện Chư Sê. Ảnh: Minh Châu

Bà Lesley Miller-Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam (thứ 2 từ trái qua) khảo sát tình trạng tiếp cận nước sạch của phụ nữ khó khăn xã Ayun, huyện Chư Sê. Ảnh: Minh Châu

Kế hoạch Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới do UBND tỉnh ban hành đã đề ra những mục tiêu và hoạt động cụ thể. Trong đó có hoạt động gặp gỡ, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy bình đẳng giới như trao học bổng, cho vay vốn hỗ trợ sản xuất đối với các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường thực hiện số hóa trong truyền thông thông qua mạng xã hội nhằm tiếp cận tới nhiều người hơn, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Tỉnh Gia Lai cũng luôn đặt vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là một trong những mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đặc biệt, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” triển khai tại 42 xã đặc biệt khó khăn của 15 huyện, thị xã trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, tiến tới thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Các thành viên tham gia mô hình Làng phụ nữ kiểu mẫu tại làng Tao Klăh, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh. Ảnh: Minh Châu

Các thành viên tham gia mô hình Làng phụ nữ kiểu mẫu tại làng Tao Klăh, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh. Ảnh: Minh Châu

Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho hay: “Nhiều chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều thách thức. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm. Nhiều nạn nhân vì lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo, nhất là khi người gây bạo lực, xâm hại chính là người thân của họ. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân các nạn nhân mà còn tác động và là rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Không chỉ là chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới năm nay mà bằng nhiều cách làm, hình thức hỗ trợ, tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Song để hoạt động này có được kết quả thực chất rất cần sự thống nhất ý chí và hành động của các cấp, các ngành, từng người dân và toàn xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".