(GLO)- Vừa qua, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh ban hành hàng loạt quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án của một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hàng chục tỷ đồng cho vay khó có khả năng thu hồi vì đối tượng vay không có tài sản thi hành.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, số nợ vay khó đòi nhiều nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Yên Đổ với số tiền trên 34 tỷ đồng, kế đến là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Trà Bá trên 2,2 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển-Phòng Giao dịch khu vực Nam Gia Lai trên 436,5 triệu đồng…
Đáng chú ý trong các hồ sơ nợ vay khó đòi, tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Yên Đổ có bà Kiều Thị Thuận-Chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Huy Thắng (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nợ trên 9,5 tỷ đồng; bà Cao Thị Kim Anh-Chủ DNTN Cẩm Linh (163 Lê Thánh Tôn-TP. Pleiku) nợ trên 4,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Phố Mới (27 Nguyễn Du, TP. Pleiku) nợ trên 4,6 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Đức Bình (223 Lê Duẩn, TP. Pleiku) nợ trên 3,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Minh Phát (01/5 Quyết Tiến, TP. Pleiku) nợ trên 2,8 tỷ đồng; bà Bùi Kim Oanh-Chủ DNTN Duy Khánh (2D/1 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) nợ trên 2,7 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Sông Hương (tổ 19, phường Đống Đa, TP. Pleiku) nợ trên 2,3 tỷ đồng; ông Vương Thành Xuân-Chủ DNTN Xuân Hạ (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) nợ trên 2,3 tỷ đồng… Tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Trà Bá, ông Dương Văn Lợi-Chủ DNTN Tư Râu (158 Duy Tân, TP. Pleiku) nợ trên 2,1 tỷ đồng…; tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển-Phòng Giao dịch khu vực Nam Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Vinh Đạt (tổ dân phố 14, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) trên 436,5 triệu đồng…
Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết: Đến thời điểm này, nợ xấu của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh tỉnh Gia Lai chiếm 1,3% trong tổng dư nợ 8.300 tỷ đồng. Nợ xấu do nguyên nhân khách quan trong đó tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chững lại dẫn đến giá bán thấp nên đến thời điểm này vẫn chưa có trường hợp nào bắt nhân viên phải bồi thường. Trách nhiệm của ngân hàng là đôn đốc xử lý thu hồi nợ. |
Tất cả các số nợ này đã được Tòa án Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết, trên cơ sở đó Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đã ra quyết định thi hành. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, các đối tượng vay đến nay hoàn toàn không còn tài sản để thi hành quyết định hoặc bản án của tòa nên Cục Thi hành án Dân sự tỉnh trả đơn yêu cầu thi hành án.
Điều mà dư luận quan tâm là đến nay vì sao các cán bộ tín dụng quá dễ dàng thẩm định để cho các cá nhân, tổ chức vay vốn với số tiền hàng tỷ đồng đến khi không trả nợ thì cũng không còn tài sản thi hành. Lâu nay trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào xử lý thích đáng đối với cán bộ tín dụng gây ra thiệt hại và cũng chưa có trường hợp cán bộ tín dụng phải tự bỏ tiền ra bồi thường do hậu quả mình gây ra. Phải chăng không phải tiền của chính mình nên họ dễ dàng hoàn chỉnh thủ tục mở “két sắt” ngân hàng cho vay như thế. Lãnh đạo của ngân hàng liệu có biết? Và cán bộ tín dụng vẫn vô can?
Lê Văn Nhung