Gương mặt thơ: Nguyễn Thị Hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nguyễn Thị Hồng là nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn dù chị viết khá ít. Đâu như chị mới in 6 tập thơ, nhưng tập nào cũng đầy đặn, cũng dư ba, cũng sôi nổi với các giải thưởng đích thực, trong đó bài thơ “Bình dị” chị viết trong chuyến thực tế ở Gia Lai được giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong cuộc sống đời thường, chị là một người “bình dị”, tận tâm với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Có cảm giác thế giới của chị luôn bình lặng, dịu dàng, hồn nhiên như cỏ cây, như mây trời. Nhưng thơ chị thì trĩu nặng nhân tình thế thái với nhiều băn khoăn trăn trở: “Người thì nửa tỉnh nửa say/Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời” hay như “Rồi sẽ đến một ngày lũ rút/Để trơ ra những thất bát mùa màng/Để trơ ra những mái lều xơ xác/Những cánh đồng bãi chợ ngẩn ngơ hoang”.

Nguyên là Trưởng phòng Biên tập của Nhà xuất bản Phụ nữ, sống ở Hà Nội nhưng chị làm rất nhiều thơ về miền núi. Phía Bắc thì trường ca “Hồn khèn”, Tây Nguyên có bài “Bình dị” và nhiều bài thơ khác. Tôi thích mấy câu nhà thơ Trúc Thông tặng chị trong bài “Gặp xưa”: “Gió cứ thổi suốt con đường rợp bóng/cây với tiếng chim dành hết cho người/xa xót lẩn tận đâu miền cay đắng/bao lạ lùng vẫn gọi phía xa xôi”... thể hiện được chất Nguyễn Thị Hồng.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10) xin giới thiệu chùm thơ về Tây Nguyên của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.





BÌNH DỊ


Em nguyên sơ như đất

em nguyên sơ như cây

em nguyên sơ như nắng

như gió cao nguyên này.


Một màu da của đất

một cái nhìn của cây

một tâm hồn của nắng

của gió cao nguyên này.

Minh họa: T.N

Minh họa: T.N

Giặc đến đất rung chuyển

thành miệng núi lửa phun

giặc đến cây tự biến

thành muôn ngàn mũi tên

giặc đến nắng và gió

là lũy thành lòng em.


Hết giặc rồi em gái

lại trở về chính mình

lại nguyên sơ như đất

lại nguyên sơ như cây

lại nguyên sơ như nắng

như gió cao nguyên này.

Em tự quên chính mình

những phút thành dũng sĩ

như núi rừng tự quên

những phút thành chiến lũy

lại trở về nguyên sơ

cái màu xanh bình dị.






RỪNG CHIỀU

Minh họa: T.N

Minh họa: T.N

Nắng chiều tha thẩn chơi

Trên mỏm đồi xa xôi

Bóng chiều cần cù nhặt

Từng ánh nắng nhác lười.

Mây bay về núi xa

Trăng bay về lòng ta

Cùng khu rừng lộng gió

Hòa âm một bài ca.





LỜI TƯỢNG NHÀ MỒ


Ơ cái hồn!

Mình biết nhau mấy đời rồi

Để kiếp này dù thoáng như giấc mộng

Mình đã bỏ đi mà ta còn sống

Nên ta hóa tượng bên mồ

Trong bóng chiều trầm tư…

Minh họa: Đ.T

Minh họa: Đ.T

Ta không nghe nữa tiếng chiêng cồng đêm hội

Không thấy nữa ngọn lửa hồng chiều tới

Vầng trăng vàng hoang dại đêm nào

Và vòm trời đầy sao

Đã tắt!

Ta đặt lên nhà mồ của mình quả bầu

Để chiều chiều mình lại xuống dòng xanh gùi nước

Ta đặt lên nhà mồ của mình ché lớn

Đêm đêm ta cùng m’nhum

Cho núi rừng chung chiêng

Ơ cái hồn!

Ché lớn ché nhỏ ta đã khiêng ra đây

Gùi lớn gùi nhỏ ta đã cõng ra đây

Bầu lớn bầu nhỏ ta đã gùi ra đây

Ta ra đây nốt

Nơi góc rừng hoang vu

Hồn ta hóa tượng bên mồ

Trong bóng chiều trầm tư…

Ơ cái hồn!

Cuộc đời thì ngắn mà tình ta dài

Làm sao sống được khi mình lẻ loi

Dưới ba tấc đất hồn mình đơn côi

Trên ba tấc đất hồn ta đơn côi

Cồng đâu còn vang khi mình đơn côi

Bếp đâu còn ấm khi mình đơn côi

Nếp đâu còn thơm khi mình đơn côi

Ta ra cùng mình để không lẻ đôi

Hồn ta hóa tượng bên mồ

Trong bóng chiều trầm tư

Hồn ta hoá tượng bên mồ

Trong bóng chiều trầm tư…

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.