Trong nhiều năm liên tiếp, các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đánh giá quốc tế ghi nhận luôn có bước cải thiện rõ rệt.
Sản xuất và lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh: Lâm Thanh) |
Trong đó, các tiêu chí như: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế thế giới-WEF) xếp thứ 67/141 năm 2019, tăng 10 bậc so với năm 2018 (năm 2022, 2021 không đánh giá do dịch Covid-19); Ðổi mới sáng tạo (của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới-WIPO) xếp thứ hạng tốt trong năm 2021 ở vị trí 44/132; Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc-UN) xếp thứ 86 năm 2020, tăng 2 bậc so năm 2018 (2 năm công bố 1 lần); Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc) giữ vị trí 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016,...
Ðặc biệt, có đến gần 60% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn ở cả 10 lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP. Trong đó, việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất. Nhờ vậy, Việt Nam luôn được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến đánh giá, việc cải cách thể chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta đang chững lại do những tác động của dịch Covid-19. Nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được cải thiện mạnh mẽ, nhưng thực tế còn hình thức, nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét và chưa bám sát thực tiễn của doanh nghiệp.
Theo đó, không ít chỉ tiêu không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Chẳng hạn, năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc, từ thứ 42 xuống 44; phát triển bền vững giảm điểm và bậc, từ thứ 49 xuống 51; quyền tài sản giảm điểm và bậc, từ thứ 78 xuống 84; cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc, từ 96 xuống 104.
Từ thực tế đó, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, coi việc cải cách thể thế, cải thiện môi trường kinh doanh là "chìa khóa" tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới nên trong suốt từ năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp khơi thông nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế.
Mới đây nhất, đầu tháng 1 vừa qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, một nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với gói ngân sách lên tới 350 nghìn tỷ đồng, được giải ngân trong hai năm 2022-2023 đã được Quốc hội thông qua nhằm thực hiện cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, được dự báo sẽ là tiền đề quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi và bứt phá.
Ðể thực hiện thành công và hiệu quả việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo đà tăng trưởng, nhanh chóng phục hồi kinh tế, các bộ, ngành và địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết có liên quan của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để giải quyết chính là yếu tố then chốt quyết định. Ðây cũng chính là những hành động thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP nhằm quyết tâm không để quá trình cải cách bị chững lại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản, không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua nhằm "giữ lửa" cho đà cải cách; phải giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh.
Theo TỐ HÂN (NDĐT)