Giữ hồn cốt cho làng quê Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đi giữa quê hương mà thấy nhớ quê hương! Đó là cảm giác của nhiều người sinh ra ở nông thôn khi định cư, lập nghiệp phương xa trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Làng bây giờ đã khác, cái khác ấy chính là sự mất mát, phai nhạt dần phong vị trữ tình, phóng khoáng vốn có. Làng quê Việt Nam ngày càng hiện đại hơn, giàu có hơn, nhưng làng của chúng ta đang có những thay đổi nhanh chóng, xấu đi từ nhiều góc độ. Khu vực nông thôn đang có những biến động sâu sắc theo hướng tiêu cực từ hình thái không gian, kiến trúc và những giá trị cốt lõi về mặt tinh thần. Làm gì để giữ hồn cốt, bản sắc cho làng quê, cho người dân quê Việt Nam, khi mà tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa, sự du nhập văn hóa ngoại lai đang diễn ra tại nông thôn với tốc độ nhanh như cơn lốc?
 

Kỳ 1: Đi giữa quê hương mà thấy Nhớ quê hương
 

Các chuyên gia cho rằng, nhiều thập niên qua, lĩnh vực kiến trúc - cảnh quan nông thôn đã bị “bỏ rơi”. Ngoài những bản quy hoạch chung chung phân định ranh giới đất, Luật Xây dựng và các quy định về xây dựng - kiến trúc hình như chỉ áp dụng cho khu vực đô thị. Sự hoạch định không có tầm nhìn xa, thiếu khoa học cùng với việc thực thi kỷ cương lỏng lẻo của cơ quan quản lý và nhận thức của người dân hạn chế, dẫn đến kiến trúc nông thôn phát triển tự phát. Với cách kiến tạo không phù hợp địa hình, cảnh quan cùng trào lưu vay mượn, chắp vá kiến trúc đã làm cho làng quê biến dạng, méo mó theo những trật tự vô lối…


 

Trò chơi dân gian trong ngày hội làng. Ảnh: Thanh Hà
Trò chơi dân gian trong ngày hội làng. Ảnh: Thanh Hà


 Trước hết, chúng ta cùng thống nhất về sự ra đời của xóm làng Việt Nam để làm căn cứ nhận diện cho những biến động trong thời đương đại. Các nhà nghiên cứu đã đúc kết khái quát, sự hình thành văn minh làng xã gắn với việc phát triển của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp lúa nước. Trước đó, khi con người sống du canh, du cư thì chưa tạo nên lối sống quần tụ, xóm làng chưa thể ra đời. Xét về quan hệ xã hội thì con người, với nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và giao lưu, từ quan hệ huyết thống đã nới dần sang quan hệ láng giềng - địa vực. Đây được coi là nguyên tắc cơ bản hình thành nên làng xã và văn hóa làng xã. Quá trình tụ cư cùng với hệ thống thiết chế làng xã đã hình thành và phát triển trên điều kiện như vậy; tính cộng đồng và tính tự trị cũng từ đó ra đời. Trong quá trình hình thành và phát triển của thiết chế làng xã, thế giới vật chất của làng trở thành điểm tựa hình thành thế giới tinh thần của cư dân ở đó, và tương tự theo chiều ngược lại. Biểu tượng của tính tự trị mang màu sắc riêng của mỗi ngôi làng Việt rõ ràng nhất là lũy tre ken dày như một thành lũy bất khả xâm phạm, không giống với lũy đất, rào đá bao quanh các ấp, lý nước láng giềng Trung Hoa. Còn biểu tượng của tính cộng đồng làng là mái đình - sân đình, cây đa, bến đò, giếng làng và những nơi có thể tụ họp trong không gian làng. Mái đình cổ kính mà ngày xưa làng nào cũng có không chỉ là trung tâm tôn giáo, tâm linh, trung tâm hành chính mà còn là một địa chỉ văn hóa của làng khi diễn ra hội hè, đình đám, hát xướng, liên hoan…
 
Nói điều đó để thêm một lần khẳng định, thiết chế làng đã góp phần quan trọng tạo nên cảnh đẹp làng quê Việt Nam cổ truyền với không gian trữ tình, dung dị. Hình ảnh của làng đã đi vào tâm thức, có sức cuốn hút và lay động cảm xúc của người ở, kẻ đi. Nỗi nhớ trong lòng mỗi chúng ta khi nghĩ về quê hương là hình ảnh làng xóm thân thương với lũy tre xanh, những hàng cau, hàng dừa vươn thẳng, là cổng làng uy nghi mà gần gũi. Làng là mái đình trầm mặc bên cây đa cổ thụ, là ngôi chùa cổ rêu phong hướng mặt ra bến sông, là ngõ gạch đơn sơ đếm thời gian ký ức. Làng là bến sông, nơi con trẻ bơi lội vui đùa, nơi những người phụ nữ trong xã hội Nho giáo “bị đẩy ra khỏi đình” chọn làm chốn giao lưu, tâm sự. Làng là lúa, là khoai, là luống đậu, đám rau, là rơm rạ ngày mùa, lục lạc trâu về trong buổi hoàng hôn. Từ cảnh sắc thiên nhiên, kiến trúc và văn hóa con người, thì làng Việt từng là một chỉnh thể ổn định. Bởi vậy, tất cả hệ giá trị vật chất và tinh thần của làng trường tồn qua mọi biến thiên thời gian đều có lý do tồn tại của nó.

*

*     *


Trở lại với thực tại, nông thôn nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện chủ trương của Đảng, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới là kiến tạo những giá trị mới, làm cho nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp hơn nhưng không lai căng, không làm mất những giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng một thực trạng phổ biến là làng quê chúng ta có vẻ đang xấu đi, trước hết là về cảnh quan, kiến trúc. Phong cảnh và nhiều hạ tầng cổ truyền quý báu mang nét đẹp riêng của mỗi ngôi làng đã bị lãng quên, bị “hô biến” những giá trị đặc sắc qua nhiều thời kỳ bởi một số quan điểm sai lầm, bởi tư tưởng duy ý chí và cách làm hãnh tiến. Trong quá khứ, nhiều đình chùa, miếu mạo từng bị phá dỡ. Ao làng, giếng làng bị lấp. Bến nước đẹp bỏ hoang. Những lối đi bằng đá xanh nhẵn bóng thời gian từng được xây nên bởi những cặp vợ chồng mới cưới qua nhiều thế hệ bị cạy lên để thay bằng những con đường bê tông không mấy ấn tượng. Những hàng cây cổ thụ bị chặt bỏ để phân lô, bán nền, hình thành khu dân cư mới. Những cổng làng chứng tích trăm năm bị “hạ giải” và thay vào đó là những chiếc cổng làng mới to vật vã nhưng vô cảm, vô hồn. Những ngõ trúc quanh co, những hàng rào dâm bụt tình tứ bị thay bằng màu xỉn sẫm của gạch đá kín cổng, cao tường, che khuất tầm mắt và khuất luôn cả tình làng nghĩa xóm.
 

 Ngày hội làng bên mái đình cổ kính. Ảnh: Thanh Hà
Ngày hội làng bên mái đình cổ kính. Ảnh: Thanh Hà


Không khó để chúng ta nhận diện thực trạng về sự mất trật tự và thiếu bản sắc của kiến trúc nông thôn đương đại như nhận định khái quát của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: “Hiện đang thịnh hành ba cách nhìn về sự phát triển của kiến trúc nông thôn. Nông thôn đô thị hóa nhanh, với sự áp đảo của các hình thức kiến trúc đô thị, sự bê tông hóa - nhựa đường hóa và phố hóa những con đường làng, sự phổ cập các tiện nghi đô thị và đặc biệt là sự gia tăng mật độ xây cất cùng độ cao nhà cửa mang hình thái đô thị. Một cách nhìn khác: kiến trúc nông thôn nhại lại kiến trúc thành phố, với nhà ống - nhà chia lô, dạng cái hộp và “tô điểm” rập khuôn theo hình mẫu cũ kỹ từ thành phố”. Ông Kính cũng cho rằng: “Kiến trúc nông thôn hiện nay là một nền kiến trúc hầu như tự phát, ít được hướng dẫn cả mặt quy hoạch kiến trúc lẫn thẩm mỹ. Nông thôn giàu lên, về phương diện nào đó tiến sát đô thị, song kiến trúc lại thiếu định hướng. Có thể nói, kiến trúc tổ ấm của hàng triệu nông dân đang bị các nhà hoạch định chính sách cùng các nhà kiến trúc bỏ rơi”. Chính sự “bỏ rơi” ấy mà không gian cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái làng quê của chúng ta đang bị phá vỡ với tốc độ cực nhanh. Cơn lốc đô thị hóa vội vã, thiếu kiểm soát cùng với lối tư duy phát triển lệch lạc, ẩu đoảng, thẩm mỹ phô trương đã làm cho làng quê, cho nông thôn phai dần bản sắc.
 
Làng bây giờ không khác gì phố với sự ken dày của bê tông, giảm thiểu cây xanh và mặt nước. Không gian làng quê ngày càng thiếu cân bằng, thiếu sự hài hòa bởi những quy hoạch tùy tiện, áp đặt, chắp vá tạo nên sự ngột ngạt, hỗn độn, phá vỡ hình ảnh phóng khoáng vốn có. Những khối nhà cao tầng với các mẫu kiến trúc lai căng đủ loại được bê nguyên xi từ thành phố, từ các quốc gia khác về đặt ngay bên cạnh cánh đồng lúa ngàn đời trở nên lạc lõng. Quỹ đất nông thôn còn rộng mà hóa ra chật khi nhà ở cư dân và rất nhiều những ngôi nhà thờ họ cứ tiến ra mặt đường thỏa mãn sự khoe khoang. Nhiều nghĩa địa làng với lăng mộ của những dòng họ có con cháu giàu có được xây dựng bề thế, trang trí sặc sỡ, phô trương thái quá. Làng Việt cổ truyền đang có nguy cơ tan biến khi phố thì chưa ra phố mà làng chẳng còn dáng dấp của làng. Mỗi lần hồi hương, có cảm giác mất mát gì đó trong hương vị hồn làng mà những “người nhà quê” chúng ta từng dưỡng nuôi trong sâu thẳm ký ức, từng đắm đuối mỗi khi nhớ nhung. Đó là ở đồng bằng, còn các vùng miền núi cũng không khác mấy khi mà nhiều cảnh quan, kiến trúc truyền thống bị phá vỡ bởi nhiều lý do. Những ngôi làng người Mường, người Thái... ở phía Bắc hay Banar, Êđê, K'Ho... phía Nam cũng bị mất dần bản sắc bởi sự vụng về trong quy hoạch, sự thay đổi kiểu dáng kiến trúc theo hướng xu thời.
 
Các nhà chuyên môn cho rằng, kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề nan giải về cách lựa chọn mô hình, quy hoạch, thiết kế, duy trì cảnh quan, bảo vệ môi trường và nhiều vấn đề khác. Có những chuyển hóa sâu sắc đã diễn ra trong vấn đề kiến trúc nông thôn, đó là: Chuyển hóa từ quy định, chính sách quản lý; chuyển hóa từ tập quán sống và thay đổi về nơi chốn; chuyển hóa từ công nghệ và vật liệu xây dựng; chuyển hóa từ những thay đổi về quan điểm thiết kế. Trong đó, quy định về cấp phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn khu vực chưa quy hoạch được miễn giấy phép xây dựng vừa mở cơ hội sáng tạo cho kiến trúc nông thôn nhưng vô hình cũng là những thách thức trong quản lý và hướng dẫn người dân nông thôn trong việc xây dựng nhà cửa, vì vậy, ai ưng gì làm nấy theo cảm tính, thiếu phối cảnh đồng bộ và thẩm mỹ phù hợp…

(CÒN NỮA)
 
Theo UÔNG THÁI BIỂU (LĐ online)



http://baolamdong.vn/xahoi/202211/giu-hon-cot-cho-lang-que-viet-nam-3142588/

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.