Giới trẻ Gia Lai nhìn cuộc sống qua màu ảnh film

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thời nay, việc chụp lại phong cảnh, hành trình của mình trở thành thói quen không thể thiếu trong giới trẻ. Tuy nhiên, ngoài những công cụ phổ biến như điện thoại, máy ảnh kỹ thuật số, nhiều bạn trẻ vẫn lựa chọn ghi lại những câu chuyện cuộc sống qua những thước ảnh film.

Được truyền cảm hứng từ bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè”, bạn Lê Nguyễn Thùy Dương (tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) quyết định “xuống tiền” cho một chiếc máy ảnh film tầm giá 1,5 triệu đồng khi còn là học sinh lớp 11. Cô bạn dùng máy film để chụp ảnh bạn bè, trường lớp, sau đó là những buổi dã ngoại do bạn bè hay hội chụp ảnh film ở Gia Lai tổ chức. Dương mê mẩn bởi màu ảnh film và cái cảm giác tỉ mỉ, cẩn thận để cho ra một bức hình chỉn chu nhất có thể.

“Máy film tuy giá không cao nhưng với học sinh lớp 11 lúc đó là một số tiền khá lớn. Vì thế, em phải để dành rất lâu mới mua được. Có những lúc đi du lịch cùng gia đình, ba mẹ thường thắc mắc rằng tại sao em cứ ôm khư khư cái máy ảnh trông cũ kỹ như thế. Song đến khi nhìn được thành phẩm của chuyến đi qua những tấm hình em chụp, ba mẹ cũng hiểu được phần nào đam mê của em”-Dương chia sẻ.

Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku qua ống kính của bạn trẻ Nguyễn Thùy Dương. Ảnh: NVCC

Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku qua ống kính của bạn trẻ Nguyễn Thùy Dương. Ảnh: NVCC

Từng là thành viên của hội Film Group Gia Lai, ban đầu, Trần Duy Hưng (tổ 3, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cũng sở hữu cho mình 2 máy ảnh film, tạm gọi là máy cơ và máy Point and Shoot (hay còn gọi là máy PNS/Compact Film Camera). Đây là những loại máy ảnh nhỏ gọn, tích hợp FLASH sẵn trên máy và được chỉnh thông số tự động hoàn toàn.

Theo Hưng, máy cơ thường khá nặng và phải tự chỉnh từng thông số, vậy nên Hưng sẽ dùng khi chụp những khung hình khó, có tính đầu tư và chuyên nghiệp hơn; còn máy PNS gọn nhẹ sẽ được cậu bạn mang theo bên người để bắt được những khoảnh khắc đời sống hàng ngày.

Những ngày đầu sử dụng máy ảnh film, Hưng phải mất rất nhiều thời gian mới nhận được thành phẩm của mình. Những thành viên trong hội sẽ cùng hẹn nhau gom film gửi vào TP. Hồ Chí Minh để tráng, do ở Gia Lai lúc này dịch vụ tráng ảnh film không còn mà các Lab ảnh đã chuyển qua tráng ảnh kỹ thuật số từ thẻ nhớ.

Một khung cảnh ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) được Hưng "ghi lại" bằng máy ảnh film. Ảnh: NVCC
Một khung cảnh ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) được Hưng "ghi lại" bằng máy ảnh film. Ảnh: NVCC

Tương tự, bạn Phùng Tuyển (tổ 2, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) quyết định mua máy ảnh film để ghi dấu cho chuyến hành trình dài đầu tiên bằng xe máy từ TP. Hồ Chí Minh về Pleiku. Nhắc nhớ về cảm xúc khi thực hiện những cuộn film đầu tiên, Tuyển bộc bạch: “Lần đó là Tết Nguyên Đán năm 2018, sau 2 tuần nghỉ Tết, mình mới có thể quay lại TP. Hồ Chí Minh để tráng phim, sau đó phải chờ gần 1 tuần để nhận được thành phẩm. Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, mình rất hồi hộp, không biết những tấm ảnh trông sẽ ra sao. Nếu ảnh có vấn đề, đồng nghĩa với việc mình không lưu giữ được những khoảnh khắc đấy và hành trình sẽ bớt đi một phần ý nghĩa”.

Là một người đã từng chụp ảnh kỹ thuật số nhiều năm, Phùng Tuyển ví von việc chụp ảnh film như chuyển từ viết bút chì sang bút mực. Thay vì có thể tẩy đi viết lại, xóa đi chụp lại thì việc viết bút mực hay chụp ảnh film cần chắc tay và chỉn chu trong từng thao tác. “Thật ra chụp film vẫn có thể chụp đi chụp lại nhiều lần cho một cảnh, nhưng mỗi lần bấm máy lại đều phải trả giá bằng tiền”-cậu bạn ví von.

Phùng Tuyển có sở thích chụp lại những chuyến hành trình của mình bằng máy ảnh film. Ảnh: NVCC

Phùng Tuyển có sở thích chụp lại những chuyến hành trình của mình bằng máy ảnh film. Ảnh: NVCC

Chụp ảnh film vui là vậy, nhưng cũng có rất nhiều "tai nạn trớ trêu". Ngoài những chuyện phổ biến như cháy sáng, tuột film thì lỗi cài đặt thông số khi chụp film out date với những cuộn film đã hết hạn sử dụng (buộc khi chụp cần chú ý đến những thông số đặc biệt) cũng khiến giới nhiếp ảnh film bao phen "dở khóc dở cười".

"Có một lần vì ham mê một chiếc máy ảnh film có kết cấu độc lạ được sản xuất tại Đức, mình đã mua về và mang theo trong một chuyến leo núi. Tuy nhiên, khi leo đến giữa núi, mình phát hiện chiếc máy chỉ còn một nửa, phần buồng film đã bị rớt ra. Mình và những người bạn đã cố gắng quay lại tìm kiếm nhưng không thấy. Sau sự cố này, ngoài việc hỏng máy thì 10 tấm ảnh đầu tiên mình chụp trước đó cũng đã bị hỏng vì film tiếp xúc với ánh sáng"-Dương kể.

Còn đối với Hưng, cậu bạn cũng từng gặp một sự cố “nhớ đời” khi mang một cuộn film khá đắt tiền đi qua cổng an ninh sân bay. “Vì bản chất của cuộn film là hóa chất nên tia X quét ở cổng an ninh sân bay có thể làm hỏng hoặc nhẹ thì giảm chất lượng của film. Vậy nên, nếu cần đi máy bay, mọi người nên chuẩn bị những túi đựng film chuyên dụng có thể chặn tia X để bảo vệ cuộn film của mình. Tất nhiên việc này phải khai báo và được nhân viên an ninh sân bay kiểm tra thủ công, cho phép”-Hưng nêu kinh nghiệm.

Trường học cũng là khung cảnh quen thuộc trong những thước ảnh film của các bạn trẻ. Ảnh: NVCC
Trường học cũng là khung cảnh quen thuộc trong những thước ảnh film của các bạn trẻ. Ảnh: NVCC

Điều đáng buồn, những năm gần đây, nhiều nhà máy sản xuất film đã đóng cửa, việc chụp ảnh film vì thế cũng trở thành một thú vui xa xỉ. Một cuộn film ngày trước có giá từ 60.000 đồng thì nay đã lên đến hơn 200.000 đồng. Chưa kể, những dịch vụ đi kèm như tráng film cũng tăng giá gấp 2-3 lần. Điều đó minh chứng rằng, những người còn duy trì việc chụp ảnh film đến hiện tại hẳn đã rất đam mê và tâm huyết.

Vậy nên có người từng ví von rằng, muốn bạn mình nghèo đi thì hãy tặng bạn một chiếc máy ảnh film. Bởi mỗi lần bấm máy là như xắt một nhát rất đau vào ví tiền của mình.

Giá film và các dịch vụ liên quan đến ảnh film tăng, đồng nghĩa với việc một lần bấm máy là một lần người chụp phải đắn đo, suy nghĩ. Ảnh: NVCC

Giá film và các dịch vụ liên quan đến ảnh film tăng, đồng nghĩa với việc một lần bấm máy là một lần người chụp phải đắn đo, suy nghĩ. Ảnh: NVCC

Ngày nay, trên thị trường xuất hiện những máy ảnh có thể giả lập màu film, ứng dụng chỉnh ảnh thành màu ảnh film trên điện thoại, hay những chiếc máy ảnh du lịch thời xưa qua thời gian đã chụp ra những thước phim có độ phân giải thấp, màu bị nhiễu khiến mọi người liên tưởng đến màu ảnh film.

Tuy nhiên, với những người đam mê chụp ảnh film, màu ảnh film được tạo ra bởi phản ứng giữa ánh sáng và hóa chất mà không công nghệ nào có thể bắt chước được. Bên cạnh đó, những cảm xúc và trải nghiệm khi chụp ảnh bằng máy ảnh film cũng không thể có ở những thiết bị khác.

Kỹ thuật "chụp chồng film" được các bạn trẻ sử dụng để tạo hiệu ứng mới lạ cho khung hình, dù có thể dễ dàng tạo ra bằng công nghệ, nhưng khi được chụp bằng máy ảnh film vẫn mang lại một vẻ đẹp rất khác. Ảnh: NVCC

Kỹ thuật "chụp chồng film" được các bạn trẻ sử dụng để tạo hiệu ứng mới lạ cho khung hình, dù có thể dễ dàng tạo ra bằng công nghệ, nhưng khi được chụp bằng máy ảnh film vẫn mang lại một vẻ đẹp rất khác. Ảnh: NVCC

Có thể bạn quan tâm

Tết Trung thu ấm áp cho trẻ em mồ côi Gia Lai

Tết Trung thu ấm áp cho trẻ em mồ côi Gia Lai

(GLO)- Trong không khí rộn ràng của mùa Tết Trung thu 2024, một số đơn vị, tổ chức, nhóm thiện nguyện, câu lạc bộ, nhà hảo tâm đã cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để mang lại niềm vui và sự ấm áp cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Gia Lai.
Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 được tổ chức tại Quảng trường Đại đoàn kết TP. Pleiku

Cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết

(GLO)- Trong 2 ngày 10 và 11-9, đoàn công tác Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam) đã đến TP. Pleiku để khảo sát địa điểm chuẩn bị truyền hình trực tiếp chương trình chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại tỉnh Gia Lai, dự kiến diễn ra ngày 13-10-2024.
Cô gái bị bệnh K vẫn miệt mài làm thiện nguyện

Cô gái bị bệnh K vẫn miệt mài làm thiện nguyện

"Cho đi là còn mãi" hay "cho đi là nhận lại nụ cười" chính là châm ngôn sống của Nguyễn Thị Thương, cô gái 24 tuổi mắc ung thư giai đoạn cuối. Với Thương, liều thuốc tốt nhất chính là nhận lại nụ cười từ những hoàn cảnh khó khăn được cô giúp đỡ.
Vì sao giới trẻ ngại nói ở đời thực?

Vì sao giới trẻ ngại nói ở đời thực?

(GLO)- Trong thời đại số hiện nay, giới trẻ có xu hướng trao đổi qua tin nhắn, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Bởi họ cảm thấy khó khăn và thiếu tự tin khi giao tiếp trực tiếp. Điều này, có phải là hồi chuông cảnh báo sự phát triển kỹ năng của giới trẻ và xây dựng mối quan hệ xã hội không?

Chắp cánh “tài năng nhí”

Chắp cánh “tài năng nhí”

(GLO)- Chung kết tìm kiếm tài năng nhí năm 2024 diễn ra tối 31-8 tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tìm ra những gương mặt có triển vọng trong lĩnh vực nghệ thuật. Khởi đi từ sân chơi này “đánh thức” tài năng bên trong mỗi đứa trẻ, ươm mầm và chắp cánh cho ước mơ của các con được bay xa hơn.