Giao mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết thúc chuyến xe đường dài, tôi đặt ba lô xuống hè phố. Gió reo trong từng sợi nắng mỏng manh, quăng quật và chênh chao như chính nhịp sống vội vã của mọi người xung quanh. Mùa giao cảm trong từng nhịp thở gấp gáp của khoảnh khắc chuyển mình.
Ngọn gió cứ heo may từ buổi sớm, nắng vàng ươm đổ mật trên từng mái phố. Giao mùa đến thật khẽ khàng và tinh tế cho ai lắng nghe mình. Gia Lai là quê hương thứ 2 của rất nhiều người dân tứ phương về lập nghiệp, an cư.
Ly cà phê buổi sáng ngay góc ngã tư đường. Cái vội vã của dòng người cứ thế trôi qua tôi. Trôi qua mùa. Mùa nối tiếp. Năm nối tiếp và người ta đếm tuổi trải qua mùa trong nỗi nhớ. Mọi giao cảm của mùa như thấu vào tâm can. Những bóng người lao đi vun vút, những báo cáo, số liệu… cho công việc cuối năm gấp gáp. Những chuyến xe ùn ùn nối đuôi gói trọn sứ mệnh “cơm áo gạo tiền” mang đầy hy vọng hay có đan xen cả những điều nỗi niềm không tên.
Mùa đọng trên phố bằng những vạt nắng ấm áp sau vệt chổi của chị công nhân vệ sinh đường phố vừa đi qua… Mùa hoan ca từ rặng dã quỳ vàng ươm cứ trập trùng theo Phố núi, từ những đám cỏ đuôi chồn hồng rực đốt thêm nỗi nhớ cao nguyên. Mùa giản dị từ những bông cỏ xuyến chi bên quốc lộ trải miết vào tận buôn làng. 
Hàng thông trăm tuổi ở “Biển Hồ chè”. Ảnh: Phan Nguyên
Hàng thông trăm tuổi ở “Biển Hồ chè”. Ảnh: Phan Nguyên
Mùa giao cảm với những tất bật, lo toan trải khắp núi đồi về từng con đường vào nương rẫy, trong từng giọt mồ hôi của những người nông dân đang thu hoạch cà phê. Tiếng rì rào của quả chín rơi xuống bạt, những xôn xao từ vườn rẫy rộn rã không khí mùa màng. Mùa vội vã trong tiếng nổ xình xịch của chiếc công nông đang nỗ lực leo dốc chở thành quả lao động về nhà. Mùa giao cảm đến trong hơi thở, trong mệt nhọc vẫn toát lên những nỗ lực khôn cùng khi nghĩ đến cánh mai vàng, bánh chưng xanh ngày Tết.
Tôi thấy mùa trôi trong ánh mắt của người mẹ khi chọn mua tấm áo mới cho con. Tôi thấy mùa trăn trở, mùa hối thúc và cả mùa đọng lại. Mùa nghèn nghẹn trong câu hứa của người lữ khách tha hương “Tết này, con sẽ về”. Người ta cứ đếm mùa, đếm tuổi liệu có đếm hết được những nhớ thương đi qua đời mình. Đứng trên cao nguyên lồng lộng gió, khi hoa cà phê đã nở trắng triền đồi, hương mật nhỏ vào gió thêm rít lại se sắt, mơ màng mà nhớ thương cành đào phương Bắc, nhớ về nguồn cội, nhớ quê hương...
TRÚC PHÙNG

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...