Giáo dục dùng roi vọt hay ngọt bùi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những giọt nước mắt ân hận muộn màng, những đôi mắt thất thần, những ngón tay bấu chặt lấy mặt bàn đến tứa máu, và cả những cái cười khẩy, bất cần của học sinh phạm lỗi, đều khiến tôi - một giáo viên hơn hai mươi năm đi dạy - ám ảnh nhiều đêm.

tai-tro-cho-giao-ducc-1170x700.jpg

Không lúc nào tôi (và những ai đã chọn nghề giáo) thôi suy nghĩ về phương pháp giáo dục học sinh (HS), nhất là những em bị gọi là "cá biệt". Đã có không ít hình thức áp dụng cho việc giáo dục, uốn nắn các em vi phạm kỷ luật, nhưng vẫn còn rất nhiều câu chuyện đau lòng diễn ra hằng ngày, hằng giờ khiến nhiều HS sợ hãi, phụ huynh lo lắng và cả xã hội hoang mang...

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật HS, trong đó bãi bỏ hình thức kỷ luật nặng nề nhất là đuổi học với HS vi phạm. Theo dự thảo, chỉ còn 3 hình thức kỷ luật, gồm: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. Thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật HS các trường phổ thông từ cách đây gần 40 năm (1988).

Tôi đồng tình với việc không buộc thôi học đối với HS vi phạm kỷ luật trong dự thảo. Bởi lẽ, tất cả chúng ta đều hiểu rằng, nếu nhà trường - ngôi nhà thứ hai - từ chối thì các em sẽ về đâu? Cánh cửa an toàn này đóng lại thì liệu có cánh cửa nào đủ an toàn và bao dung để cho HS một nơi phát triển và hoàn thiện cũng như sửa chữa những sai lầm của mình? Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng, trong rất nhiều vụ bạo lực học đường gây nhức nhối cho toàn xã hội thì có rất nhiều HS đã bỏ học (trước và sau khi bị kỷ luật đuổi học), hay rất nhiều tội phạm vị thành niên cũng là những em không còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy vậy, không đuổi học không có nghĩa là chỉ nhắc nhở, hỗ trợ hay thông báo với cha mẹ HS. Tôi nghĩ rằng, nếu có thể giải quyết mọi vi phạm bằng những phương pháp ôn hòa thì cũng sẽ chẳng bao giờ xảy ra những trường hợp đáng buồn như trên. Cho nên, là một người làm giáo dục, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau.

Thứ nhất, mỗi trường học cần có bộ phận quản lý và giáo dục HS, gồm ban giám hiệu, giám thị, chuyên gia tâm lý, giáo viên (GV) chủ nhiệm, GV bộ môn, Đoàn thanh niên. Nếu có HS vi phạm, GV sẽ là người gặp gỡ các em để tìm hiểu, khuyên bảo, trò chuyện, thông báo với cha mẹ. Nếu chưa thể giải quyết thì sẽ đưa lên giám thị với những hình thức phạt như dọn vệ sinh trường lớp. Nếu nghiêm trọng hơn sẽ gặp gỡ chuyên gia tâm lý để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp hợp lý nhất.

Cuối cùng là ban giám hiệu sẽ trực tiếp trò chuyện với các em. Những lời nói của thầy cô hiệu trưởng sẽ tác động sâu sắc đến HS rất nhiều, hoặc chỉ cần người thầy lắng nghe và đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng sẽ giúp các em tốt hơn. Ngày còn đi học, tôi đã từng được gặp một người thầy bao dung và đáng kính như vậy.

Thứ hai, đối với những em vi phạm nghiêm trọng hơn, nhà trường cần kết hợp với các tổ chức từ thiện hoặc chính quyền, đưa các em đi lao động công ích từ 3 ngày trở lên: dọn vệ sinh khu phố, chăm sóc trẻ em, người già neo đơn, đến các bệnh viện phát cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo...

Thứ ba, với những em có hành vi bạo lực học đường thì cần có hình thức xử phạt thật nghiêm. Tuy vậy, chúng ta cần nhất là ngăn chặn không để trường hợp này xảy ra. Để làm được điều đó thì GV phải luôn theo sát các em. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức thường xuyên những buổi sinh hoạt về pháp luật, có thể mời công an khu vực hỗ trợ. Nếu mâu thuẫn xảy ra dẫn đến hành vi bạo lực tùy theo mức độ nặng nhẹ, tôi nghĩ, cần phải để pháp luật vào cuộc.

Tóm lại, giáo dục HS không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình, đòi hỏi cả xã hội chung tay. Điều cần nhất là phải đưa giáo dục về đúng quỹ đạo của nó, phải lấy lại tôn nghiêm cho người thầy, phải đặt vào tay người thầy cây thước, để mỗi người thầy đều có thể giúp HS vẽ những đường thật thẳng cho cuộc đời của chính các em.

Theo PHAN THỊ MỸ HUỆ (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hút chất xám vào khu vực công

Hút chất xám vào khu vực công

Đầu những năm 1990, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa phát triển kinh tế, đã có ý kiến của các Việt kiều kiến nghị Chính phủ cần có chính sách sử dụng các chuyên gia giỏi người Việt ở nước ngoài bổ trợ cho phát triển kinh tế đất nước.

Báo chí trong thời đại AI

Báo chí trong thời đại AI

(GLO)- Sẽ không quá khi nói rằng, chúng ta đang ngày ngày hít thở trong bầu không khí “số”. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa các ngành nghề vào cuộc chạy đua để không bị tụt hậu. Báo chí càng không ngoại lệ.

Không để sai phạm 'chìm xuồng'

Không để sai phạm 'chìm xuồng'

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành và UBND TP.Biên Hòa khẩn trương xử lý 4 vụ việc theo Kết luận số 556 ngày 29.5.2025 của Tỉnh ủy. Trong đó, 3 vụ đã từng được Báo Thanh Niên phản ánh từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sau những cánh cửa đóng kín

Sau những cánh cửa đóng kín

Giữa năm, không phải dịp lễ, Tết, nhưng hàng nghìn ki-ốt, cửa hàng từ bắc chí nam đồng loạt đóng cửa, nghỉ bán. Phía sau những cánh cửa đóng kín, im lìm ấy là sự chối bỏ lạnh lùng trước những nỗ lực làm minh bạch nguồn gốc hàng hóa đưa vào thị trường.

Ám ảnh thi cử

Ám ảnh thi cử

Đầu tháng Sáu, hơn 103.000 học sinh Hà Nội cùng hàng vạn em tại TP.HCM và cả nước bước vào kỳ thi vào lớp 10 công lập – một kỳ thi tưởng như chỉ là “chuyển cấp” nhưng lại đang là cuộc đua khốc liệt bậc nhất trong lộ trình học tập của một đứa trẻ.

null