Nhờ vị trí đắc địa mà hơn trăm năm về trước, Đảo Bé (thuộc xã đảo Bình An, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được bọn cướp chọn làm sào huyệt và giấu toàn bộ vàng bạc. Đến nay, dù vết tích của hang giấu vàng năm xưa đã bị “bồi lấp”, nhưng tội ác mà giặc đã gây ra cũng như những câu chuyện huyền bí về hang Kẻ Cướp vẫn còn lẩn khuất trong đời sống của người dân nơi hoang đảo, khiến họ sợ hãi mỗi lần nhắc đến.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Từ đảo Lớn (Lý Sơn), theo chân một tàu cá địa phương, chúng tôi có mặt tại xã đảo Bình An (còn gọi là Đảo Bé) sau gần một giờ lênh đênh trên biển. Đúng như tên gọi, đảo có diện tích rất nhỏ nhưng lại có một bãi tắm với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao và những con sóng tung bọt trắng xóa, ào ạt đêm ngày. Không những thế, nơi đây còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn khiến du khách tò mò, thích thú.
Từ cầu tàu, chúng tôi được những hướng dẫn viên không chuyên là người dân địa phương thông tin tường tận về những điểm đến trên đảo. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi nhắc về hang Kẻ Cướp, nhiều người dân không khỏi hoang mang. Chị Nguyễn Thị Bê (50 tuổi, trú thôn Bắc, Đảo Bé) thú thật: “Đó là câu chuyện kỳ bí mà người dân đảo ai cũng biết nhưng ít ai muốn nhắc lại. Bởi cứ nghe đến hang Kẻ Cướp là ai nấy đều rùng mình, kinh sợ vì nhớ lại những tội ác kinh hoàng mà giặc đã gây ra trên vùng đất này”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm ven bờ biển, cụ Nguyễn Cậu (86 tuổi), chủ trì đình làng An Vĩnh (Đảo Bé) trầm ngâm hồi lâu rồi chậm rãi kể: “Ngày trước, hang Kẻ Cướp có tên là hang Chàng Thiếp. Nó là minh chứng cho một câu chuyện tình đẹp, sức sống mãnh liệt khiến người dân đảo tự hào, kính phục. Thế nhưng, kể từ khi bọn cướp đến đây thì khu vực hang này trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân đảo”.
Hang Kẻ Cướp. Ảnh minh hoạ |
Ngược dòng lịch sử, cụ Nguyễn Cậu kể tiếp về quá trình “thay tên” của hang Kẻ Cướp. Cách đây khoảng 200 năm, khi trên đảo vẫn chưa có dân sinh sống, có một đôi vợ chồng là thương nhân buôn đường biển, gặp bão nên bị đắm tàu. Không rõ vì sao họ cùng bị sóng đánh dạt vào Đảo Bé. Tại vùng đảo hoang, thấy hang đá ngay sát bờ biển đẹp lại rộng rãi nên hai người quyết định chọn làm nơi tá túc. Hằng ngày, đôi vợ chồng cùng nhau ra gành để hái rong, bắt cá sống qua ngày, tìm cơ hội để trở về quê hương. Thế nhưng, chẳng được bao lâu thì bi kịch đã xảy ra đối với đôi vợ chồng nọ.
“Ngày trước, do nước ngọt khan hiếm, trên đảo có giếng cổ Xó La của người Chiêm Thành, nằm ngay sát mép biển, quanh năm không bao giờ cạn. Vì thế, tàu bè qua lại trên con đường biển Bắc Nam thường xuyên ghé vào đảo lấy nước ngọt và nghỉ chân. Nhờ đó mà đảo trở thành vị trí đắc địa, trở thành điểm trung chuyển trên tuyến hàng hải Bắc – Nam. Sử sách viết về Lý Sơn còn ghi lại rằng, vùng biển Lý Sơn tấp nập tàu thuyền qua lại nên có cướp biển xuất hiện, người dân gọi là giặc Tàu Ô. Thấy vị trí hang Chàng Thiếp thuận lợi, chúng giết chết người chồng, hãm hiếp người vợ trẻ rồi chiếm hang đá làm đại bản doanh để tiến hành cướp bóc trên đảo Lý Sơn và tấn công vào đất liền. Từ đó đến nay, hang được đổi tên thành hang Kẻ Cướp”, cụ Cậu thuật lại.
Từ ngày chiếm được hang, bọn cướp gây nên biết bao tội ác đối với người dân đảo. Chúng cướp của, giết người, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ khiến người dân khiếp đảm đến tột cùng. Mỗi khi chúng tràn vào là dân đảo sử dụng tù và, ốc u báo động để mọi người tìm cách trốn chạy. Thế là chúng thản nhiên vơ vét tiền bạc, của cải của người dân đem về hang cất giấu. Chính vì vậy mà cho đến nay, mỗi khi nhắc đến hang Kẻ Cướp người dân Đảo Bé giờ vẫn truyền tai nhau về kho báu chứa đầy vàng bạc, là nơi bọn cướp cất giữ số vàng cướp được năm xưa.
“Kho báu”... có thật ở Đảo Bé?
Được sự giới thiệu của cụ Nguyễn Cậu, chúng tôi tìm gặp cụ Đặng Yên (80 tuổi, trú thôn Bắc), một trong những người am hiểu lịch sử của đảo này. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Yên chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Đảo Lớn, sau này, do cuộc sống nên mới qua Đảo Bé để sinh sống. Chuyện về hang cướp biển giấu vàng tôi chỉ nghe qua lời kể của cha ông và đọc trong sử sách. Tuy nhiên, chuyện vàng bạc, đồ gốm trong hang Kẻ Cướp cướp là có thật”.
“Thời chiến tranh chống Mỹ, vì chạy giặc nên vợ chồng tôi và một số hộ dân bên Đảo Lớn đưa nhau qua Đảo Bé sinh sống. Thời đó, mỗi lần ra gành bắt cá, tôi và nhiều thanh niên khác thường leo lên hang Kẻ Cướp để nghỉ chân. Trong một lần vô tình, khi bới lớp cát trong hang thì tôi thấy rất nhiều mảnh gốm cổ. Sau đó, có người còn nhặt được cả những thỏi bạc trắng, đồng đỏ đã hoen gỉ...”.
Câu chuyện về việc tìm được vàng, bạc trong hang Kẻ Cướp khiến người dân ở đảo và đất liền bỏ công sức đến hang tìm kiếm một thời gian dài. Tuy nhiên, càng về sau, công cuộc tìm kiếm càng khó khăn, bất thành. Bởi theo thời gian, quá trình cát biển bồi đắp, hang Kẻ Cướp không còn như trước. Nếu muốn vào được trong hang phải lặn xuống biển. Tuy nhiên, nếu không phải là người dân địa phương có kinh nghiệm thì cũng khó có thể tìm được đường đi.
Bà Nguyễn Thị Chuột (65 tuổi, trú thôn Bắc) cho biết thêm, có một điều lạ nữa là hòn đá nằm chếch về phía trước miệng hang Kẻ Cướp, nhưng không hiểu vì sao cứ lớn dần. Theo nhiều người trên đảo, trước kia hòn đá rất nhỏ, mọi người vào ra hang bình thường; nhưng kể từ khi có nhiều người tập trung đến hang tìm kiếm vàng bạc thì bây giờ nó to ra, ăn liền vào miệng hang.
“Có lẽ vì những điều kỳ bí, chưa có lời giải đáp về kho báu của bọn cướp năm xưa mà cho đến tận bây giờ, vẫn có nhiều người người lạ giả khách đi du lịch đến đảo, họ ở lại và lân la hỏi chuyện bà con về hang Kẻ Cướp với hy vọng tìm được chút vàng, bạc còn sót lại. Họ tìm đến cửa hang và lật giở bản đồ ra tìm kiếm, nhưng cũng đành bó tay do miệng hang đã bị cát bồi lấp. Chính vì hành tung đáng ngờ của những người này mà người dân Đảo Bé rất ngại nói về hang Kẻ Cướp”, bà Chuột giải thích.
Nói về thực hư của chuyện kho báu giấu vàng, ông Huỳnh Lũy (Bí thư xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn) cho hay: “Trong lịch sử của đảo, quả thật là có chuyện hang Kẻ Cướp là nơi giấu vàng của những kẻ xấu xa xưa. Nhưng đó là những giai thoại huyền bí, chưa có lời giải đáp rõ ràng. Ngày nay, Đảo Bé đang sở hữu một “kho vàng” có thật khác. Đó là cảnh thiên nhiên đẹp và sự bình yên. Dù cuộc sống của người dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn vì giao thông cách trở, nhưng tương lai không xa, nhờ “kho vàng” thiên nhiên ấy, Đảo Bé sẽ thay da đổi thịt, trở thành thiên đường giữa biển mà nhiều người muốn tìm đến”.
T. NHẬT (ĐS&PL)