(GLO)- Với tâm niệm “Lời nói phải đi đôi với việc làm”, nhiều năm qua, già làng Rah Lan Djớp luôn là điểm tựa tinh thần của người dân làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai).
Vừa trở về nhà sau nhiều giờ đồng hồ làm người “cầm cân nảy mực”, hòa giải mâu thuẫn cho đôi vợ chồng trẻ Kpuih Blơng-Rơ Mah Thơk, ông Rah Lan Djớp mỉm cười phấn khởi: “Cuối cùng vợ chồng nó cũng hòa thuận với nhau rồi!”. Nhìn nụ cười của ông, chúng tôi hiểu rằng, hạnh phúc của già làng tuổi 60 này chính là sự thuận hòa của các gia đình và người dân trong làng luôn yêu thương, đoàn kết, cùng nhau xây dựng làng Pan ngày càng phát triển.
Ông Djớp phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Sê tuyên truyền, vận động nhân dân. Ảnh: Huy Dũng |
Ông Phạm Văn Chí-Phó Bí thư Đảng ủy xã Dun: “Già làng Rah Lan Djớp có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ các hủ tục... Ông cũng chủ động, đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bà con học hỏi, noi theo. Tới đây, ông sẽ là một trong những già làng tiêu biểu được mời dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai”. |
Mâu thuẫn của vợ chồng chị Rơ Mah Thơk bắt nguồn từ việc anh Kpuih Blơng-chồng chị-đi làm thuê nhưng tiền công không đưa về cho vợ mà dùng hết vào việc tiếp đãi bạn bè. Chị Thơk đã nhiều lần nói chuyện với chồng nhưng không thay đổi được tình hình, thậm chí mỗi khi cãi nhau, anh Blơng còn bỏ nhà đi, không làm rẫy, cũng không chăm sóc con nhỏ. Không muốn mâu thuẫn vợ chồng cứ mãi kéo dài, chị Thơk đã tìm đến nhờ già làng can thiệp. “Già Djớp đã phân tích, khuyên nhủ 2 vợ chồng phải thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau, cùng nhau làm lụng, chăm sóc con cái và dành dụm tiền phòng khi đau ốm. Nhờ có già Djớp, vợ chồng mình đã hiểu ra cái đúng, cái sai và không còn giận nhau nữa. Mình cảm ơn già Djớp lắm!”-chị Thơk bộc bạch.
Cũng nhờ có già làng đứng ra phân xử, tình làng nghĩa xóm bao năm giữa ông Siu Mlơng và ông Rơ Lan Hiêk mới không bị sứt mẻ. Chẳng là mảnh vườn của 2 ông liền kề nhau và lúc trước cả 2 đều thống nhất không làm hàng rào, thay vào đó trồng 1 hàng cây để phân chia ranh giới. Nhưng chẳng hiểu sao khi cây phát triển lại không thẳng hàng, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Ông Mlơng nói: “Cả 2 nói qua nói lại, còn suýt đánh nhau nữa, may có già Djớp kịp thời can thiệp, giải thích, đưa ra phương án phân chia ranh giới hợp lý nên chúng tôi vui vẻ bắt tay hòa giải”.
Ngoài việc tham gia hòa giải các vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong làng, già làng Djớp còn miệt mài đến từng nhà, gặp gỡ từng người để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không tin, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục kích động, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong sinh hoạt hàng ngày và chăm lo phát triển kinh tế. Là người có tư duy nhạy bén, nhận thấy ruộng lúa nước của gia đình do thiếu nước nên năng suất bấp bênh, lại chỉ trồng được 1 vụ/năm rất lãng phí, năm 2008, già Djớp quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng làm hơn 3 km mương dẫn nước về ruộng. Từ khi có mương nước, gia đình ông đã chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ; nhiều hộ có diện tích lúa xung quanh cũng được hưởng lợi từ con mương này.
Để khuyến khích người dân thay đổi thói quen canh tác, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, ông Djớp đã tiên phong trong việc mua các loại máy cày, máy phun thuốc, máy cắt cỏ... đưa vào sản xuất để tiết kiệm chi phí nhân công. Hiện tại, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng từ 2 ha cà phê, 7 sào ruộng, 8 con bò. Học theo ông, nhiều hộ dân trong làng cũng đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào thâm canh. Nhờ đó, cuộc sống của người dân làng Pan những năm gần đây đã có chuyển biến rõ rệt, làng chỉ còn 5 hộ nghèo.
HUY DŨNG