Gia Lai: Kon Bông - dải lụa trắng giữa đại ngàn K'Bang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kon Bông là tên một ngọn thác đẹp ở xã Đăk Roong, huyện K’Bang, Gia Lai. Ai đó đã ví con thác như dải lụa trắng trải dài trên nền cây rừng xanh của đại ngàn K’Bang. Đây được xem là điểm du lịch khám phá thú vị và hấp dẫn đối với du khách trong hành trình khám phá mảnh đất trên cao nguyên.  

Kon Bông là ngọn thác đẹp, nhìn từ xa như dải lụa nước trắng xóa. Ảnh TT
Kon Bông là ngọn thác đẹp, nhìn từ xa như dải lụa nước trắng xóa. Ảnh TT
Du khách quên đường xa mệt nhoài khi bước tới chân thác. Ảnh TT
Du khách quên đường xa mệt nhoài khi bước tới chân thác. Ảnh TT

Chúng tôi đi xe máy từ TP Pleiku đến huyện K’Bang hơn 100 cây số, rồi từ trung tâm huyện chạy xe gần 50 cây số nữa mới đến xã Đăk Roong. Bây giờ đường đến Đăk Roong đi lại thuận tiện hơn nhiều, đường được rải thảm nhựa phẳng lỳ.  

Sau nhiều tiếng đồng hồ ngồi trên xe máy, chúng tôi đặt chân đến làng Kon Bông 1, Kon Bông 2. Xa xa, đã nghe thấy tiếng thác nước ầm ào, khi đến gần nước từ dòng thác trắng xóa tỏa ra hơi lạnh, lữ khách phương xa cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái sau chặng đường dài gió bụi. Nơi đây tiếng suối chảy hòa với âm thanh chim hót giữa núi rừng tạo nên cảm giác cuốn hút.

Hơi nước tỏa ra từ thác nước mát lạnh. Ảnh TT
Hơi nước tỏa ra từ thác nước mát lạnh. Ảnh TT
Đến gần với suối Kon Bông, du khách tận mắt thấy thác nước 3 tầng rõ rệt, thác kéo dài từ độ cao tầm 40m rồi đổ xuống. Kon Bông không khác gì dải lụa trắng xóa, mềm mại và kỳ vỹ.
Đồng bào Ba Na nơi buôn làng cũng thường gọi thác Kon Bông là thác ba tầng. Trong tâm trí người dân nơi đây, dòng thác vừa là nơi tắm mát, giải tỏa mệt nhọc sau những giờ quần quật trên nương rẫy vừa là nơi ẩn dấu điều gì có vẻ linh thiêng.
Bà con trong buôn thường kể nhau nghe chuyện một cô gái thường về thác Kon Bông tắm mát, người con gái trẻ đẹp, có làn da trắng ngần như bông. Sau đó, người ta quen gọi là thác Kon Bông và cũng lấy tên này để đặt tên cho buôn làng.

Những đứa trẻ làng Kon Bông mưu sinh trên núi rừng. Ảnh TT
Những đứa trẻ làng Kon Bông mưu sinh trên núi rừng. Ảnh TT
Vừa ngắm thác nước, du khách vừa men theo những con đường mòn, vạch lá cây rừng để lên đến đỉnh thác. Từ đây phóng tầm mắt ra xa sẽ nhìn thấy các bản làng với những mái nhà tranh, nhà sàn ẩn hiện sau những cánh đồng lúa xanh mướt. Mái nhà tranh nhỏ bé, chủ yếu là của người dân tộc Ba Na là nếp sống yên bình bao đời nay bên những cánh rừng già K’Bang.
Chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ đi hái măng rừng, gương mặt ngây thơ, làn da rám nắng. Các em thu hái về những cây măng rừng non để mang ra chợ bán, đó là thành quả của cả một ngày mưu sinh, đôi chân trần len lủi khắp núi rừng. Những đứa trẻ vùng núi tìm quên mệt nhọc bằng cách bơi lội, nô đùa dưới dòng suối mát lành, trong veo.
Già làng ở buôn làng Kon Bông bảo rằng, do thường xuyên tắm nước, ngâm mình ở dòng thác nên thanh niên nơi đây ai cũng khỏe mạnh, cường tráng. Vì hơi nước tuôn ra từ lòng đất mẹ, chảy qua những phiến đá ngàn năm tuổi, hơi lạnh của nước xua tan chướng khí trong mỗi người. Và người làng Kon Bông tự hào về vẻ đẹp đầy cuốn hút của dòng thác.
Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ đưa thác Kon Bông vào quy hoạch làm điểm du lịch sinh thái, kết nối với các tuor, tuyến du lịch khác trên địa bàn. Khi doanh nghiệp đầu tư du lịch sẽ kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá và trải nghiệm văn hóa bản địa cũng như đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu sổ.
Theo Thanh Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.