(GLO)- Trong 2 ngày 19 và 20-11, tỉnh Gia Lai ghi nhận 198 ca mắc Covid-19 mới; đặc biệt, số ca mắc trong ngày 19-11 cao kỷ lục từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay với 112 ca. Riêng xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) 2 ngày ghi nhận 124 ca.
Đak Đoa khẩn cấp khoanh vùng phòng-chống dịch
Sau khi ghi nhận 124 ca mắc Covid-19 trong 2 ngày 19 và 20-11, xã Hà Bầu trở thành điểm nóng mới về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Ổ dịch lan rộng tại 7/8 thôn, làng trên địa bàn xã. Bước đầu xác định, ổ dịch có nguồn lây từ ổ dịch thuộc xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), trải qua 3, 4 chu kỳ lây nhiễm, hết sức phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Đak Đoa và hệ thống chính trị xã Hà Bầu về công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện |
Ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Sau khi ghi nhận các ca mắc đầu tiên tại xã Hà Bầu, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện Đak Đoa đã chỉ đạo địa phương nhanh chóng khoanh vùng, xác định tâm dịch, phong tỏa tạm thời các địa điểm dịch tễ liên quan và triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng-chống theo quy định. Cùng với đó, ngành chức năng địa phương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 12 tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm nhanh trong 24 giờ tại các làng có nguy cơ cao để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, địa phương thành lập các chốt chặn, lên phương án về đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự tại các khu phong tỏa tạm thời.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, không chỉ tổ chức xét nghiệm diện rộng tại xã Hà Bầu, Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo các xã lân cận tập trung công tác xét nghiệm tầm soát trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. “Song song đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng-chống dịch, đặc biệt thực hiện 5K và khuyến cáo của chính quyền địa phương. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo huyện sẽ nhanh chóng đánh giá lại về mức độ dịch trên địa bàn, từ đó triển khai các biện pháp phù hợp trong công tác phòng-chống dịch, thích ứng an toàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ vừa đảm bảo phòng-chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội”-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa nhấn mạnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân tại làng Weh (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa). Ảnh: Như Nguyện |
Khó khăn trong công tác phòng-chống dịch tại xã Hà Bầu nói riêng, huyện Đak Đoa nói chung hiện nay là đang vào vụ thu hoạch, người dân thường xuyên qua lại, đổi công cho nhau giữa các làng. Việc bị phong tỏa tạm thời, cách ly phòng-chống dịch đồng nghĩa với việc họ không thể thu hoạch hoa màu sẽ dẫn đến tâm lý lo lắng. “Vì vậy, ngành chức năng sẽ phối hợp hỗ trợ người dân trong vấn đề thu hoạch vụ mùa, tuyên truyền để bà con hiểu, phối hợp cùng với chính quyền địa phương, an tâm cách ly phòng-chống dịch bệnh”-ông Trung nói.
Dịch phức tạp, lan rộng tại nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số
Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-thông tin: Các ổ dịch hiện nay tập trung tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện Đak Đoa, Chư Păh, TP. Pleiku; thời gian tới, có thể tiếp tục lan rộng ra nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các địa phương cần triển khai kịp thời biện pháp hành chính phù hợp, thực hiện khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm dịch tễ, xét nghiệm nhanh… Công tác phòng-chống dịch đạt hiệu quả cao nhất đó là phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn.
Lực lượng quân đội tiến hành phun khử khuẩn tại trụ sở HĐND-UBND xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa. Ảnh: Như Nguyện |
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp tại xã Hà Bầu, trưa 19-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đak Đoa và hệ thống chính trị xã Hà Bầu để nắm tình hình và chỉ đạo công tác phòng-chống dịch.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhận định, dịch bệnh có thể còn lan rộng trên địa bàn xã Hà Bầu và các xã lân cận khác. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện Đak Đoa cần khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp để lấy mẫu, xét nghiệm, khẳng định F0, truy vết bóc tách F0, F1, F2 theo quy định; thực hiện phong tỏa chặt xã Hà Bầu, đánh giá, khoanh vùng mở rộng các khu vực lân cận; thời hạn xét nghiệm 24 giờ kể từ 14 giờ ngày 19-11.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chỉ đạo hệ thống chính trị xã Hà Bầu cần kích hoạt ngay Sở Chỉ huy, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 xã nhanh chóng triển khai đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa nhưng phải có phương án đảm bảo an sinh, an ninh chính trị, trật tự xã hội, đồng thời có biện pháp tuyên truyền vận động phù hợp với đặc thù làng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiết lập các chốt kiểm soát, chốt phong tỏa để kiểm tra hạn chế tình hình di chuyển làm lây lan dịch Covid-19… Địa phương nghiên cứu triển khai Trạm Y tế lưu động; chủ động xây dựng cho tình huống cao, khẩn cấp; xây dựng phương án phong toả, cách ly F0, F1 khi số ca nhiễm hơn 50% tại 1 làng; có phương án xử lý, cách ly, điều trị phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội, đặc điểm tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trên cơ sở tình hình dịch bệnh, huyện Đak Đoa cần đánh giá dịch tễ, cấp độ dịch, từ đó triển khai các biện pháp hành chính phù hợp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, ổn định đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, huyện Đak Đoa cần cung cấp các điểm mốc dịch tễ liên quan ổ dịch tại xã Hà Bầu cho Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch các địa phương lân cận để đảm bảo phương án khoanh vùng các địa điểm dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng-chống dịch phù hợp.
NHƯ NGUYỆN