Gia Lai: Bến đò A Sanh nổi tiếng sẽ trở thành điểm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bến đò A Sanh gắn liền với tên tuổi anh hùng Puih San sẽ trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn.
 
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai vừa trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh bến đò A Sanh ở làng Nú, xã Ia Kha, huyện Ia Grai.

Một góc bến đò A Sanh trên dòng sông Pô Kô. Ảnh T.Tuấn
Một góc bến đò A Sanh trên dòng sông Pô Kô. Ảnh T.Tuấn
Huyền thoại anh hùng Puih San
Theo các già làng, trưởng bản ở xã Ia Khai thì bến đò A Sanh ở làng Nú và một số bến đò khác ở huyện Ia Grai từng được sử dụng nhiều vào khoảng từ năm 1961. Thuyền độc mộc của người dân nơi đây được Bộ đội huy động, chuyên chở cán bộ, chiến sĩ và hàng hóa, đạn dược qua lại dòng sông Pô Kô trên đường vào nam.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Puih San (1937-2000, bí danh A Sanh, người dân tộc Jrai), là một người dân làng Nú, từ nhỏ đã quen chèo thuyền. Ông gia nhập đơn vị Bộ đội vận tải và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Puih San chính là hình mẫu trong hát nổi tiếng “Người lái đò trên sông Pô Kô”, bài thơ do nhà thơ Mai Trang sáng tác và nhạc sĩ Cẩm Phong phổ nhạc, được phát liên tục trên Đài tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Người dân làng Nú, xã Ia Khai vẫn còn lưu truyền nhiều nét văn hóa lâu đời. Ảnh T.Tuấn
Người dân làng Nú, xã Ia Khai vẫn còn lưu truyền nhiều nét văn hóa lâu đời. Ảnh T.Tuấn
Bến đò A Sanh là địa danh gắn với sự đóng góp công sức, xương máu của quân và dân ta trong thời kỳ chiến tranh. Bến đò gắn với một thời oanh liệt giữa bom đạn. Trong chiến tranh, Puih San đã tổ chức đưa đón hàng trăm chuyến hàng là vũ khí đạn dược, bộ đội qua sông. Không chỉ Puih San mà còn cả hàng trăm người dân làng Nú đã không ngại hy sinh, gian khổ để giúp bộ đội kháng chiến.
Ông Đỗ Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai – cho biết: “Việc khôi phục lại bến đò A Sanh cần đầu tư nhiều thời gian và công sức. Hiện chưa có sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nào liên quan đến khu di tích sẽ được xây dựng. Nhưng UBND huyện Ia Grai có thể khôi phục nghi lễ cúng làm thuyền độc mộc để phục vụ khách du lịch, cùng với đó có thể trình diễn việc đục đẽo thuyền độc mộc tại khu di tích”.

Người dân Ia Khai từng cống hiến, hy sinh nhiều trong chiến tranh. Ảnh T.Tuấn
Người dân Ia Khai từng cống hiến, hy sinh nhiều trong chiến tranh. Ảnh T.Tuấn
Trước mắt những người bà con gần, sống cùng làng với anh hùng Puih San như ông Duit, ông Pênh … sẽ thực hành hướng dẫn công việc này. Vị trí được chọn làm di tích là khu đất của làng Nú gần bến đò A Sanh, nằm trong vùng lòng hồ Sê San 4.
Kết nối làm du lịch
Thời gian quan, UBND huyện Ia Grai đã phối hợp với các đơn vị khác tiến hành khảo sát vị trí, kiểm tra hiện trạng khu vực dự kiến quy hoạch xây dựng di tích bến đò A Sanh. Hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích lịch sử theo hướng đẩy mạnh hoạt động du lịch dưới nhiều hình thức.

Chính quyền đã quy hoạch 5 địa điểm du lịch và đang kêu gọi đầu tư gồm: Khu du lịch sinh thái thác 9 tầng; Khu du lịch sinh thái lòng hồ Sê San 4; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Thác Mơ; Khu di tích lịch sử chiến thắng Chư Nghé và Khu di tích lịch sử bến đò A Sanh.

Thác Mơ là một điểm du lịch hấp dẫn ở Ia Khai, huyện Ia Grai. Ảnh TA
Thác Mơ là một điểm du lịch hấp dẫn ở Ia Khai, huyện Ia Grai. Ảnh TA
Tổng vốn đầu tư dự kiến trên 100 tỷ đồng, do điều kiện thuận lợi là các điểm di tích của huyện Ia Grai gần nhau, với bán kính không quá 20 km giữa các địa điểm. Hoàn toàn có thể xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của du khách trong khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa và thăm lại chiến trường xưa….
Hiện nay, ở các làng đồng bào dọc theo 2 bờ sông Pô Kô, nhiều gia đình vẫn còn duy trì các nghi lễ xa xưa, nhiều hộ dân vẫn thường qua bên kia sông để làm rẫy, đặt bẫy, lấy củi, thả lưới bằng thuyền gỗ độc mộc. Thống kê cho thấy, các hộ dân sở hữu hàng chục thuyền độc mộc có tuổi đời ít nhất 10 năm. UBND huyện Ia Grai đã hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân để tu sửa lại các thuyền độc mộc, chế tạo thêm các thuyền mới nhằm phát huy và giữ gìn nghề làm thuyền truyền thống.
Theo Thanh Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.