Gia Lai: Ảm đạm du lịch dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch mùa Tết Nguyên đán 2021 ở Gia Lai đã bị đình trệ với lượng khách giảm sâu kỷ lục: hơn 90%. Thiệt hại thấy rõ nhưng giải pháp vực dậy ngành “công nghiệp không khói” không phải là chuyện một sớm một chiều.
Trong 5 ngày Tết, các khu vui chơi trên địa bàn tỉnh đều đóng cửa theo yêu cầu của UBND tỉnh để phòng-chống dịch Covid-19; toàn bộ các sự kiện văn hóa, giải trí cũng phải đình lại. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, những ngày qua, lượng khách lưu trú trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 80 lượt; Khu lâm viên Biển Hồ đón khoảng hơn 4.100 lượt khách; Quảng trường Đại Đoàn Kết đón trên 8.200 lượt khách. Tổng lượt khách dịp này khoảng 12.450 lượt, chỉ bằng 7,78% so với năm trước (khoảng 160.000 lượt). 
Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Le Pleiku-cảm thán: “16 năm trong nghề, lần đầu tiên tôi mới gặp thực trạng như thế này! Mọi năm, cứ mùa Tết là kín lịch”. Theo ông Phương, năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Công ty chủ động không nhận tour Tết nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên và du khách. Công ty đóng cửa trước Tết 10 ngày, dự kiến đến ngày 22-2 sẽ mở cửa nhưng nhận khách hay không thì còn tùy vào tình hình diễn biến của dịch.
Người dân du xuân tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Người dân du xuân tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Tại các điểm du lịch và lưu trú, Tết là cơ hội “hái ra tiền” nhưng do dịch Covid-19 nên nhiều nơi đã tạm ngừng hoạt động. Một vài cơ sở mở cửa song chỉ hoạt động cầm chừng bởi khách ồ ạt hủy tour, phòng đã đặt trước đó.
Anh Đinh Angưi-chủ homestay Angưi (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cho biết, cơ sở của anh đã tạm thời đóng cửa để chung tay phòng-chống dịch Covid-19, dự kiến thất thu hơn 200 triệu đồng trong đợt này. “Trước đó, hơn 10 đoàn khách từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và một số địa phương khác đặt tour đến đây du lịch nghỉ dưỡng, thưởng thức các món ăn bản địa, tìm hiểu văn hóa cồng chiêng của đồng bào Bahnar. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì vậy, tôi đã quyết định đóng cửa homestay để cùng chung tay dập dịch”-anh Angưi nói.
Phân tích thiệt hại, anh Angưi cho hay, trước đó, anh đã bỏ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, dịch bùng phát không thể đón khách nên có thể nói chịu thiệt hại kép. Tuy vậy, ông chủ homestay Angưi vẫn mong mỏi: “Mong mọi người tuân thủ các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19, sớm đẩy lùi dịch bệnh để mọi hoạt động nhanh chóng trở lại như ngày thường”. 
Cùng cảnh ngộ, homestay Tiên Sơn Pleiku có 18 phòng lưu trú đã được đặt kín từ nhiều tháng trước song do dịch bùng phát nên khách hủy hết. Anh Cao Huyền Tuấn Anh-chủ homestay-cho hay: “Chúng tôi phải hoàn trả lại tiền cọc hơn 200 triệu đồng. Cũng thông cảm cho họ bởi đây là việc xảy ra ngoài ý muốn. Khách nào muốn trả lại tiền thì được hoàn trả, khách nào muốn chuyển sang thời điểm khác thì mình cố gắng sắp xếp”.
Ông chủ homestay này cho biết thêm, năm ngoái, lúc mới đưa vào hoạt động, cơ sở đã phải chống chịu với dịch Covid-19 trong thời gian dài, thiệt hại đáng kể. Giờ lại thêm một đợt dịch nữa, rất khó khăn nhưng đây là tình hình chung nên đành gắng cầm cự. Những ngày này, homestay vẫn mở cửa đón khách đến thưởng ngoạn, uống cà phê nhưng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng-chống dịch.           
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều gia đình khá dè dặt trong các hoạt động vui chơi, thăm thú. Cùng con cháu đi chơi ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), bà Vi Thị Nêu (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho biết: “Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát nên gia đình tôi chỉ đến Quảng trường, chụp mấy bức ảnh lưu niệm rồi về luôn chứ không ghé đâu nữa”.  
Theo ghi nhận của P.V, từ trước Tết, các điểm du lịch đã nỗ lực tự “làm mới”, đầu tư cơ sở vật chất, tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều mức giá ưu đãi nhằm đón khách vào dịp này với slogan của ngành: “Gia Lai-điểm đến an toàn của du khách”. Tỉnh cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị kích cầu, xúc tiến du lịch.
Tuy nhiên, đợt dịch mới bùng phát đã khiến ngành du lịch tiếp tục đối diện với nhiều thách thức. Quá khó khăn là nhận định của một lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khi đề cập đến các giải pháp vực dậy ngành “công nghiệp không khói” vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch trước đó. Tới đây, ngành cần nhiều thời gian phục hồi, xây dựng giải pháp và triển khai chiến lược và kế hoạch thu hút du khách trở lại với vùng đất cao nguyên. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

(GLO)- Về huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), nghe tên những địa danh gắn với bao truyền thuyết hư ảo như lạc vào miền sử thi. Trầm tích văn hóa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ là thế mạnh để “đánh thức” tiềm năng du lịch của vùng đất từng “bị bỏ quên” này.

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.