Ghềnh thác Đak Rong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi viết ra những dòng này là lúc tôi đang lang thang trên một cung đường mới. Nhưng tiềm thức vẫn còn “lạc” ở ghềnh thác ở Đak Rong, về những ngôi làng Bahnar dưới tán rừng già. Chúng tôi chỉ là những kẻ đi rong qua nhiều vùng đất tươi đẹp của Tây Nguyên hùng vĩ này, nhưng một khi đã biết về Đak Rong, vùng đất này sẽ “đóng đinh” trong ký ức bạn bởi những điều tuyệt diệu nhìn thấy.

Từ thị trấn Kbang, vượt chừng 50 km chúng tôi đến trung tâm xã Đak Rong. Những cơn mưa rừng làm cho phân nửa đoạn đường trơn nhẫy trong thứ đất đỏ đặc trưng của vùng đất bazan. Như đã hẹn từ trước, anh Nên-một chàng trai Bahnar hiện là nhân viên bảo vệ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng sẽ là người dẫn đường cho chúng tôi. Anh nhiệt thành mời chúng tôi về thăm làng anh-Kon Lôk 1 trước khi vào sâu trong rừng để ngắm thác.

Trong làng có chừng vài chục nóc nhà, nằm dưới những tán rừng. Một con suối nhỏ chảy qua ngay trước cổng dẫn vào làng. Sống tách biệt giữa rừng nên họ còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Bahnar. Họ làm rọ để bắt cá dưới suối, đan gùi, làm bẫy chim và thú rừng rất thông minh và độc đáo. Bữa trưa của chúng tôi ngoài cơm nắm với muối đậu mang theo, chủ nhà hiếu khách còn đãi món cá suối nấu với lá chua hái từ rừng có vị rất lạ miệng và tốn cơm.
 

Thác Kon Lôk 1. Ảnh: H.T
Thác Kon Lôk 1. Ảnh: H.T

Rời làng Kon Lôk 1, chạy xe chừng 5 km chúng tôi phải để xe lại để đến thác nước đầu tiên. Mọi người có ý e ngại vì để lại toàn bộ tư trang, xe cộ ngoài bìa rừng. Anh Nên đã khiến chúng tôi thầm xấu hổ khi trấn an: “Ở đây dù một cái bẫy chim của ai đó bị mất trộm hoặc thất lạc là cả làng phải họp bàn và đi tìm. Nếu mất cắp thì chỉ có người ngoài vào lấy, còn trong làng tuyệt nhiên không bao giờ xảy ra trộm cắp”.

Đi theo lối mòn nhỏ lọt thỏm trong rừng rậm, có trục trặc nhỏ khi anh Nên mất phương hướng do một cổ thụ bị ngã xóa mất dấu vết đường đi. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng cảm nhận thác Kon Lôk đâu đó rất gần qua hơi nước mát lạnh. Nghe dòng nước gầm gào qua khe đá tạo nên âm thanh kích thích đôi chân khách phương xa. Và rồi, qua một thảm rêu xanh rì và dương xỉ ngút ngàn hiện ra một màu trắng xóa của bọt nước. Thác không cao lắm, những lớp đá xếp chồng lên nhau rồi trải dần xuống như nàng sơn nữ đang xõa tóc bên dòng suối mát. Chẳng ai nói với nhau câu nào. Người tranh thủ ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp giữa rừng già, người mê mải ngắm nhìn sự diễm lệ mà thiên nhiên ban tặng.

Rời Kon Lôk 1, chúng tôi đến Kon Lôk 2 cách đó chừng 7 km. Đến nơi trời đã xế chiều nên cả đoàn quyết định hạ trại. Dù trong đoàn có những người lần đầu tiên gặp nhau nhưng có sự ăn ý không ngờ. Không cần phải phân công nhiệm vụ, người dựng lều, người kiếm củi nhóm bếp, người đi thu gom rác (“Không để lại gì ngoài những dấu chân” là tôn chỉ của chúng tôi trên khi đến mỗi vùng đất). Khi mặt trời xuống núi là lúc cuộc vui của những kẻ đi rong bắt đầu.

Đón bình minh ở một nơi xa, bên những người bạn giữa thiên nhiên hùng vĩ là một cảm giác thật khó tả. Mở cửa lều, khung cảnh bình yên lập tức ập lấy chúng tôi. Nước tung bọt trắng xóa, hơi nước mờ ảo, những tia nắng đầu tiên xuyên qua tán cây, kẽ lá tạo nên một bức tranh thiên nhiên diễm lệ. Sau khi ăn bữa sáng bằng mì gói, chúng tôi cà phê bên dòng thác giữa rừng, thấy mình như những kẻ sống vương giả, hạnh phúc bậc nhất thế gian. Hành trình của chúng tôi còn kéo dài qua nhiều thác ghềnh giữa rừng già như thác Hà Đừng (hay còn gọi là thác sông Ba vì nằm ở thượng nguồn con sông này), thác Kon Bông 1.

Ngày đi rong, đêm ngủ trong tiếng nước ầm ào, sáng thức dậy trong ban mai trong lành giữa đại ngàn. Có những buổi trưa, có kẻ đang thiu thiu ngủ lại vùng dậy lội xuống dòng nước, ngơ ngác như kẻ phàm trần lọt vào tiên cảnh. Trước màu xanh và sự trong trẻo hoang dại ấy, chúng tôi không ít lần phải ứa nước mắt, muốn ôm tất cả vào lòng.

Minh Châu-Hải Thương

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.