Gần 30 tỷ đồng đầu tư du lịch cho "Đôi mắt Pleiku"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 6 km về hướng Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí và lãng mạn, Biển Hồ được coi là “mắt ngọc Cao nguyên” và là điểm du lịch lý tưởng đối với nhiều du khách khi đến Pleiku.

Một góc Biển Hồ - Ảnh Chiêu Ly
Một góc Biển Hồ - Ảnh Chiêu Ly



Biển Hồ, còn gọi là Hồ Tơ Nưng, ở đây quanh năm khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan, thiên nhiên rất đẹp, lãng mạn với những hàng thông thẳng tắp, vi vu gió bên những vườn cà phê trĩu quả; mặt nước mênh mông xanh ngắt, phẳng lặng, trầm mặc chở những chiếc thuyền độc mộc lững lờ của những du khách có thú vui câu cá, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên.

Nơi đây gắn liền với bao trầm tích văn hóa và nhiều câu chuyện truyền thuyết đầy thú vị, được truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi lần đến Biển Hồ, nhiều du khách lại nhớ đến câu hát “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, cảm thấy lòng nhẹ nhàng, khoan thai.

Anh Minh làm nghề chụp hình tại Biển Hồ đã nhiều năm nay cho biết, nhiều du khách rất hài lòng khi đến đây thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và lưu lại những bức ảnh làm kỷ niệm. Biển Hồ rất đẹp, hằng ngày có rất nhiều du khách đến đây để khám phá, chiêm ngưỡng thiên nhiên. “Theo tôi, Tỉnh nên tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhưng vẫn giữ lại vẻ đẹp hoang sơ ở Biển Hồ này”-anh Minh nói.

Ông Trần Đức Hiếu ở TP. Pleiku-Gia Lai hồ hởi: "Khung cảnh thiên nhiên ở Biển Hồ rất đẹp, tôi và nhóm bạn của mình thường xuyên đến đây để câu cá và thư giãn. Người dân mong muốn Tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư để khai thác, phát triển du lịch tại Biển Hồ".

 

Giữa lòng Biển Hồ- Ảnh Chiêu Ly
Giữa lòng Biển Hồ- Ảnh Chiêu Ly


Nằm trong lòng Phố núi Pleiku thân yêu, Biển Hồ không chỉ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch mà còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn gia đình ở thành phố Pleiku và một số khu vực lân cận. Những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ thiên nhiên, môi trường, nguồn nước tại Biển Hồ để hạn chế sự tác động xấu bởi nhiều yếu tố. Tỉnh cũng đang từng bước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như triển khai “Dự án hoàn thiện hạ tầng khu du lịch Biển Hồ” gồm các hạng mục chính: xây dựng bờ kè, mái taluy, đường đi tại khu vực đồi Vọng Cảnh. Dự án có tổng kinh phí xây dựng 28,5 tỷ đồng, sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang tham mưu cho tỉnh tiếp tục đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch ở Biển Hồ.
 

Hàng thông Biển Hồ sớm mai - Ảnh Chiêu Ly
Hàng thông Biển Hồ sớm mai - Ảnh Chiêu Ly


Là người đứng đầu ngành du lịch của tỉnh, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai chia sẻ, Biển Hồ có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch nhưng việc phát triển du lịch ở Biển Hồ phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sinh thái và nguồn nước. Chính vì thế, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đang tiếp tục tham mưu cho tỉnh có hướng phát triển du lịch ở đây một cách bền vững và hiệu quả nhất, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Ngoài những tiềm năng, thế mạnh sẵn có thì Biển Hồ có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bởi nằm sát Quốc lộ 14 và gần quốc lộ 19, giao thông đi lại thuận lợi. Thu hút đầu tư để “đánh thức”, phát triển du lịch sinh thái tại Biển Hồ trong chuỗi liên kết với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh khác là chủ trương đúng đắn của tỉnh Gia Lai nhằm tạo ra những điểm nhấn trong bức tranh du lịch đa sắc màu của Tỉnh nhà, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển chung ở địa phương.

Qua đó, thực hiện quy hoạch tổng thể về đầu tư phát triển du lịch ở địa phương, tỉnh Gia Lai từng bước đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và những yếu tố cần thiết để khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch tại Biển Hồ một cách hiệu quả nhất.

Theo baogiaothong.vn

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.