Gác lại niềm riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vài ngày trước, một người bạn của tôi ở TP. Hồ Chí Minh có đăng dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân về cuộc trò chuyện nhanh qua điện thoại giữa chồng và con gái hơn 3 tuổi. Sau những lời thăm hỏi thường nhật, cô bé cứ dặn đi dặn lại ba rằng: “Khi nào hết dịch Covid-19, ba phải về nhanh với con đó nha!”. Bạn tôi bảo: Lúc nào 2 ba con nói chuyện, cô bé cũng lặp lại nội dung ấy như một lời hẹn ước và chất chứa nhiều nỗi nhớ nhung.

Chồng bạn công tác tại Công an phường 5 (TP. Bến Tre). Lúc dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, mỗi tuần, gia đình bạn gặp nhau 1 lần. Thế nhưng, kể từ cuối tháng 5 đến nay, chồng phải trực chiến tại chỗ vì dịch bệnh. 2 mẹ con cũng mắc kẹt giữa tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. Gần 4 tháng, cả nhà xa cách và chưa biết bao giờ mới có thể sum họp. Dẫu vậy, bạn luôn động viên chồng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, ngày đêm an ủi, tìm cách xoa dịu nỗi nhớ cha trong lòng con trẻ.

Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Đức Thụy


Tương tự, giữa lúc dịch bệnh bao trùm cả Sài thành, người người ngại bước chân ra đường thì cô em gái T.T.P.L. (24 tuổi) đăng ký tham gia đội hình tình nguyện chống dịch của phường Bình Thạnh. Đã có lúc, L. cảm thấy do dự, chùn chân trước sự cản ngăn của người thân. Nhưng rồi, với ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, em vẫn quyết định nghe theo tiếng gọi của con tim, âm thầm vác ba lô lên đường. Lời tạm biệt mẹ cha chỉ là những dòng tin nhắn vội qua nhóm Zalo gia đình: “Con biết ba mẹ lo cho con, con cũng sợ Covid lắm. Nhưng càng sợ con càng phải đi để góp xíu công sức của mình vào việc chung, để bản thân con sống có ích cho xã hội. Hết dịch, con sẽ trở về, thật khỏe mạnh ba mẹ nhé!”. Trước sự “cứng đầu” của con gái, ba mẹ L. đành phải xuôi theo.

Chưa đầy 2 tuần xông pha nơi tâm dịch, L. thấy cổ họng mình đau rát, người nóng bừng và mệt lả. Kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 khiến em bật khóc. Không phải em lo lắng cho bản thân mà là sợ liên lụy đến các thành viên khác trong đội và cả những người dân từng tiếp xúc với mình. Những ngày sau đó, L. giấu gia đình tự cách ly điều trị với sự hỗ trợ của bạn bè và đội ngũ y tế phường. Cô gái ấy đã rất kiên cường chiến đấu với vi rút để khỏe mạnh trở lại, tiếp tục góp sức trẻ vào công cuộc chống dịch đầy cam go ở địa phương.

Không chỉ các bạn tôi, kể từ khi cả nước bước vào cuộc chiến với Covid-19, biết bao người đã sẵn sàng gác lại niềm riêng vì nhiệm vụ chung, xông pha trên tuyến đầu chống dịch. Họ trở thành những người bố không thể bên cạnh con lúc chào đời; những người mẹ phải xa con thơ khi còn chưa dứt bầu sữa ngọt. Họ cũng là người con chẳng thể vẹn tròn chữ hiếu lúc mẹ cha từ giã cõi trần. Đặc biệt, trong đợt dịch kéo dài vừa qua, ắt hẳn không ít lần, chúng ta chứng kiến những giọt nước mắt rơi, không chỉ của người lớn mà còn của nhiều trẻ nhỏ. Đơn cử như đoạn clip về 1 bé gái òa khóc đòi được mẹ bế khi vô tình nhìn thấy mẹ mình trong bản tin phòng-chống dịch trên ti vi hay hình ảnh những người cha, người mẹ quá nhớ con vì lâu ngày không gặp, chỉ dám đứng thật xa để thấy bóng hình con mình... được lan truyền trên mạng xã hội cách đây không lâu, khiến ai cũng cảm thấy nhói lòng.

Ở Gia Lai, dịch Covid-19 có thời điểm diễn biến phức tạp nhưng rồi cơ bản được kiểm soát. Đã 3 tháng trôi qua, tôi cũng không thể ở cạnh con mình. Đôi lúc, những lời trách móc ngây thơ của con trẻ khiến lòng tôi “gợn sóng”, từng nghĩ sẽ bất chấp tất cả vượt gần trăm cây số về nhà. Chỉ một cái ôm thôi cũng sẽ xoa dịu phần nào nỗi nhớ thương của cả con lẫn mẹ. Thế nhưng cuối cùng, tôi không cho phép mình được làm như vậy. Sự ích kỷ của tôi nếu chẳng may, không chỉ ảnh hưởng đến những người tôi yêu thương nhất, còn có thể sẽ phá hoại thành quả chống dịch mà địa phương đã cố gắng đạt được trong thời gian qua. Hơn hết, tôi chẳng thể phụ công sức của biết bao người đang ngày đêm quên mình để gìn giữ, bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.

Thiết nghĩ, trong cuộc sống, có lúc chúng ta cũng cần gác lại niềm riêng vì mục tiêu chung, dẫu đôi khi chỉ là niềm riêng bé nhỏ. Và thời điểm này, việc làm đó sẽ cần thiết hơn bao giờ hết. Muốn chiến thắng đại dịch, ngoài quyết tâm của hệ thống chính trị các cấp thì rất cần sự cộng hưởng, đồng lòng và ý thức tự giác từ chính mỗi người dân. Có như thế, những nỗ lực, hy sinh và cả giọt nước mắt lặng thầm nơi tuyến đầu mới không trở nên vô nghĩa.

 

 MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.