Đường đến Mỹ Sơn qua Kesaria

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi thân với anh Lê Văn Chỉnh những ngày anh còn tại thế. Anh là người duy nhất trong số những cộng sự của Kiến trúc sư Kazic, thời trùng tu Thánh địa Mỹ Sơn, kiên trì theo đuổi, hy sinh cả đời mình cho việc giải mã bí ẩn những viên gạch, dùng xây tháp Chăm...

Vật liệu xây dựng những ngôi tháp trong Thung lũng thần linh Mỹ Sơn vẫn là bí ẩn ngàn năm... (ảnh N.T.H)
Vật liệu xây dựng những ngôi tháp trong Thung lũng thần linh Mỹ Sơn vẫn là bí ẩn ngàn năm... (ảnh N.T.H)
Những năm cuối đời, trong sự cùng quẩn kinh tế, nhân anh Nguyễn Trung Dân, muốn xây một ngôi tháp Chăm trong khu du lịch dưới chân đèo Hải Vân, tôi giới thiệu anh và ngôi tháp mô phỏng tháp Bằng An (Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) với tỷ lệ ½ thống nhất đã được xây dựng tại đây (đến nay vẫn còn).
Thời gian này, tôi chia tay anh, du học ở Ấn Độ. Anh nhắn gửi, cố tìm hiểu, có tài liệu gì liên quan về vật liệu, kỹ thuật xây dựng của các tiền nhân Chăm thì mang về cho anh nghiên cứu.
Và như một định mệnh, sang Ấn Độ, người hướng dẫn dự án “Chămpa và các tôn giáo tại Ấn Độ” của tôi là Giáo sư- M.G Prahlad, một người hiểu biết sâu sắc về văn hóa các nước ảnh hưởng Ấn Độ ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Chămpa.
Và suốt nhiều tháng tôi cùng ông, thử ngược dòng thời gian tìm kiếm câu trả lời bí ẩn viên gạch Chăm và phương thức xây dựng những ngôi tháp của tiền nhân trên đất Miền Trung, cách đây mấy ngàn năm.

Thánh địa Wat Phou ở Chămpasak (CHDCND Lào) có lối kiến trúc và vật liệu xây dựng; cùng nằm trên 1 địa thế như Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam (Ảnh N.T.H)
Thánh địa Wat Phou ở Chămpasak (CHDCND Lào) có lối kiến trúc và vật liệu xây dựng; cùng nằm trên 1 địa thế như Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam (Ảnh N.T.H)

Từ Mỹ Sơn...

Cách đây hơn trăm năm, nhà nghiên cứu M.C Paris người Pháp, cùng nhóm các nhà bác học Viện Viễn Đông bác cổ (BEFEO) tìm thấy Thánh địa Mỹ Sơn, với 68 tòa tháp gạch cổ tọa lạc sâu trong thung lũng Hòn Đền (nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam).
Kết cấu đền tháp tại Mỹ Sơn cho các nhà khoa học một bức tranh hoàn chỉnh về xã hội Chămpa, đồng thời xác tín Ấn Độ giáo, Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ xa xôi, đã ảnh hưởng sâu sắc và chi phối đến mọi mặt trong đời sống xã hội của vương quốc này.
Các nhà nghiên cứu BEFEO, từ những ngày đầu tiên đã chú ý đến kỹ thuật xây dựng và viên gạch xây tháp Chăm, với sự tồn tại kỳ diệu của nó. Đặc điểm loại vật liệu xây dựng này, ngoài khả năng chống chịu với bão táp mưa sa; sự liên kết suốt ngàn năm qua, có thể coi là hiện tượng độc nhất vô nhị.
Điều làm giới nghiên cứu ngạc nhiên, đó là những ngôi tháp được tiền nhân xây dựng tại đây, sau gần ngàn vẫn còn gần như nguyên vẹn, tươi mới... Đặc biệt những viên gạch xây tháp không dung vôi vữa, sắp xếp khít liền như được mài chập, không liên quan đến tập quán xây dựng bản địa. Điều này khích thích nhiều nhà nghiên cứu ra sức tìm hiểu, trong đó có ông Lê Văn Chỉnh. Tuy vậy hơn trăm năm qua, bí ẩn này vẫn chưa được giải mã.
Ông Chỉnh, nguyên cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Ông là người đã đốt hết cuộc đời mình trong suốt gần 20 năm để giải mã bí ẩn của loại vật liệu này và cuối cùng ông để lại 2 mô hình tháp Po Glong Gơrai, Bằng An tại Nhà hàng Apsara, khu du lịch Suối Lương- Đà Nẵng, bằng loại “ gạch Chăm” ông tự sản xuất.
Ông Chỉnh hy vọng, với phát hiện đó, các cụm phế tích tháp Chăm rải rác dọc theo dãi đất miền Trung, từ Quảng Nam đến Bình Định, Nha Trang, Ninh Thuận... sẽ có cơ hội được cứu vãn. Trước đó, để trùng tu chống sập, nhiều địa phương đã thử sự dụng xi măng làm chất kết dính những viên gạch mới, nhưng kết quả, nhiều ngôi tháp Chăm biến dạng, hư hại nhanh hơn như Hòa Lai (Ninh Thuận), Dương Long (Bình Định), tháp Nhạn ( Phú Yên)…
Lối đi mới !
Tôi mang câu chuyện nói với Giáo sư Prahlad, ông khẳng định: “Kiến trúc gạch phục vụ tôn giáo của vùng Đông Nam Á cổ đại trong những thế kỷ đầu sau công nguyên đều chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ.
Bằng chứng hiện nay nhiều vùng trên đất nước Ấn Độ vẫn còn nhiều công trình kiến trúc cùng loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng của người Chăm”. Ông cho rằng, vật liệu, kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo bằng gạch tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar… hiện nay chưa tìm được chủ nhân, là có khả năng giới tăng lữ Ấn Độ, mang tôn giáo đến, và mang theo cả bí quyết làm ra vật liệu cũng như kỹ thuật xây dựng, để xây dựng các kiến trúc tôn giáo hành đạo.
Trong quá khứ, không khó nhận thấy đều thờ các vị thần Ấn Độ giáo, thì phải nghĩ rằng, vật liệu và phương pháp xây dựng cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc kỹ thuật chế tác vật liệu và phương pháp xây dựng từ cội nguồn (Ấn Độ).
Ông đưa tôi đến vùng Vijaya, cách trường tôi học khoảng 120 km bằng xe riêng. Đây là một trong tứ động tâm của Phật giáo Ấn Độ, với di tích Long Thọ bồ tát, người khai sinh ra hệ phái Kim Cương Thừa, vốn phổ biến hiện nay tại Tây Tạng và một vào nước Châu Á khác.
Trên chuyến phà đưa quanh hồ Naga Jukonda, ông chỉ những bức tường đền thờ còn sót lại, sau khi cả vùng này bị chìm trong lòng hồ thủy điện. Ông bảo, dễ phân biệt vì phần lớn các kiến trúc Phật giáo và một ít Ấn giáo tại Ấn Độ được xây dựng bằng chất liệu gạch. Còn lại xây bằng đá ong, hoặc vật liệu tự nhiên thường của các tôn giáo khác.
Tuy vậy, các kiến trúc tôn giáo cổ bằng gạch tại Miền Bắc và Miền Trung, có sự bền bĩ không kém gì vật liệu đá tự nhiên trên các đền thờ của tôn giáo khác… Và sau đó vài ngày, tôi có dịp đến thăm quê hương của đức Phật.
Chuyến đi của tôi về phía Bắc Ấn Độ là một chuyến đi giành cho sinh viên quốc tế, được thiết kế thăm các di tích lịch sử từ thủ đô New Delhi qua thành phố Angra thuộc bang Uttar Pradesh.
Điều đặc biệt là hầu như các di tích lịch sử tôn giáo đều không nằm trong chương trình, vì lý do sẽ có những lời phàn nàn, về sự bất bình đẳng khi sinh viên được đưa đến di tích tôn giáo này, mà lại không thăm tôn giáo kia.
Vì vậy để đến Bihar- địa danh nguồn cội thiêng liêng của Phật giáo, tôi phải tách đoàn ra riêng và thuê một người dẫn đường trong ngày. Bihar là một bang lớn của Ấn Độ và tại đây các di tích ẩn chứa toàn bộ cuộc đời đức Phật... Vì vậy tại đây, nhiều kiến trúc tôn giáo được xây dựng cách đây hơn 2.000 năm và độc đáo là hầu hết đều bằng gạch.

Đại tháp Kesaria đang được trùng tu (ảnh ITime)
Đại tháp Kesaria đang được trùng tu (ảnh ITime)

Đại tháp Kesaria

Trong số này, quan trọng nhất là đại tháp (stupa) Kesaria, được xây dựng để tưởng niệm những ngày cuối cùng của Đức Phật thích ca. Công trình được vua Chacravarty xây vào thế kỷ thứ 5.
Người hướng dẫn viên giới thiệu, tại đây, trước khi nhập diệt, đức Phật đã trao lại y bát của mình cho Lichhvis- một đệ tử và bảo họ quay trở lại Vaishali sau khi chết. Ban đầu, đại tháp được xây dựng bằng bùn, nhưng sau đó do bị sụp đổ, nên được cải tạo lại bằng gạch dưới triều đại của người Mauryas và Kushanas cách đây hơn ngàn năm.
Tài liệu giới thiệu di tích cho biết, tháp đã thấp hơn nhiều so với nguyên gốc, do một trận động đất. Đỉnh tháp đổ sập, gạch, đá vương vãi quanh chân tháp.
Trước đây ngôi đại tháp Kesaria suy tàn, nhưng nhiều ý kiến của tín đồ Phật giáo Ấn Độ trách chính quyền Bihar đã bỏ quên di tích quan trọng này, nên ngày nay đã được chăm sóc tốt hơn và thu hút nhiều khách hành hương tìm đến.
Tòa tháp Kesaria gợi nhớ những ngôi tháp Chăm ở Việt Nam với những hàng gạch được gắn kết nhau gần như không thấy mạch hồ. Hiện nó vẫn được coi là ngôi tháp cổ cao nhất thế giới; được xây dựng bằng gạch và kỹ thuật tương tự như nhiều ngôi tháp cổ phía Bắc và Trung Ấn Độ.

Kesaria trong bóng chiều chập choạng... (aenh Itime)
Kesaria trong bóng chiều chập choạng... (aenh Itime)
Trong đợt trùng tu nhóm tháp G Mỹ Sơn cách đây nhiều năm, các nhà khoa học thuộc Đại học Milan Ý đã thử xay nhuyễn các viên gạch nguyên bản của Tháp Chăm để phân tích thành phần hợp chất kết dính. Sau khi kết quả phân tích từ Ý gửi sang, Trưởng đoàn, Kiến trúc sư Landoni Federico công bố với báo chí: " Vật liệu kết dính các viên gạch lại với nhau là hỗn hợp thực vật, nghi là dầu rái, nhựa của một loại cây mọc rất nhiều tại vùng rừng núi phía tây Quảng Nam, và được cư dân địa phương sử dụng cho việc xảm thuyền, trét vách làm nhà”. Trong thực tế nhiều năm, ông Lê Văn Chỉnh và nhiều nhà khoa học vật liệu xây dựng đi trước cũng đã đoán định laoji vật liệu này, nhưng thực tế không mang lại kết quả khả quan.
* * *
Trước khi chia tay, ngày chấm dứt khóa học, Giáo sư Prahlad gợi ý, Ấn Độ giáo và Phật giáo của Chămpa cổ đại tiếp nhận từ giới tăng lữ Ấn Độ, tại sao hơn bao nhiêu năm qua, chúng ta không thử khai phá một con đường nghiên cứu mới, đi ngược trở lại trên con đường mà các tăng lữ Ấn Độ đã từng đi. Biết đâu, trên con đường mới đó, những bí ẩn của vật liệu và kỹ thuật kiến trúc Chămpa sẽ được giải mã, góp phần trùng tu các di tích đang bị tàn hại bởi thời gian.
Tuy vậy điều Giáo sư Prahlad gửi gắm không dễ thực hiện vì hầu như hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm tại Việt Nam quá quen và bám chặt với tài liệu do BEFEO để lại, nên thay đổi một tư duy mòn cũ, e rằng phải chờ... đến một thế hệ khác !
Theo Nguyễn Trung Hiếu (LĐO)

https://dulich.laodong.vn/di-lai/duong-den-my-son-qua-kesaria-859290.html

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.