Đường biến thành... sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa nắng thì bụi mù trời, mùa mưa thì cả đoạn đường biến thành sông khiến nhiều hộ dân sống tại hẻm 494 đường Phạm Văn Đồng (tổ 4, phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) không thể lưu thông. Đáng nói, thực trạng này kéo dài gần 10 năm nay.

Chị Đinh Thị Ngọc Uyển (tổ 4, phường Đống Đa) cho biết: Chị thường xuyên đón con đi học qua lại khu vực này và không ít lần bị “tắm bùn” tại đây. Theo chị Uyển, đoạn đường này chỉ cách đường Phạm Văn Đồng khoảng hơn 300 m, cạnh đó là Trường Mầm non Sao Khuê và Bệnh viện Quân y 211 nhưng người dân phải đi vòng qua nhiều tuyến đường khác mới đến được các địa điểm trên vì chỉ cần vài cơn mưa là đoạn đường này biến thành... sông, không thể đi lại.

“Trường mầm non gần đó nhưng muốn đưa con đi học buộc phải đi đường vòng. Nước ngập hơn nửa bánh xe, nhiều người đã bị ngã khi cố vượt qua đoạn này. Thấy đường sình lầy, một số hộ dân gần đó góp tiền mua xà bần về đổ, rồi bỏ công san gạt nhưng chỉ sau mấy cơn mưa thì đâu lại vào đấy”-chị Uyển than thở.

Dù đã qua mấy ngày trời nắng nhưng đoạn đường tại hẻm 494 Phạm Văn Đồng vẫn rất lầy lội. Ảnh: M.N

Dù đã qua mấy ngày trời nắng nhưng đoạn đường tại hẻm 494 Phạm Văn Đồng vẫn rất lầy lội. Ảnh: M.N

Tận mắt chứng kiến tình trạng con đường, chúng tôi mới hiểu được nỗi ám ảnh của một số hộ dân sống gần đó. Đầu hẻm, cuối hẻm là đường bê tông khang trang, sạch đẹp, duy có đoạn đường này thì khắp mặt đường sình lầy, chằng chịt ổ gà. Có chỗ tạo thành những “cái ao” lớn khiến người dân đi lại rất dễ trượt ngã. Theo chị Uyển, vì là đoạn đường đất nên không có hệ thống thoát nước, mỗi khi mưa lớn các ổ gà tạo thành những hố nước đan xen, dày đặc xẻ ngang, xẻ dọc khắp mặt đường, trở thành những “cái bẫy” chực chờ gây tai nạn cho người dân.

“Cứ trời mưa là đường nhầy nhụa bùn đất, còn trời nắng thì bụi mù mịt khiến cuộc sống người dân ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không biết kêu ai, người dân khắc phục tạm thời bằng cách đổ đá lên mặt đường ở những vị trí bị hư hỏng. Gần 10 năm nay, bà con trong tổ dân phố mong mỏi các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhanh chóng có biện pháp khắc phục để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, đặc biệt là bảo đảm an toàn giao thông”-chị Uyển kiến nghị.

Theo ông Hà Tiến Lợi-Tổ trưởng tổ dân phố 4: Thực trạng “cha chung không ai khóc” kéo dài nhiều năm nay. Không ai nghĩ rằng con đường này lại hiện hữu ngay giữa trung tâm đô thị loại I. Tại một số cuộc họp, người dân cũng đồng thuận việc làm đường, nhưng do kinh phí góp vốn đối ứng theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” khá lớn nên còn e ngại.

Ông Lợi cho hay: Tổ dân phố 4 có 350 hộ dân nhưng nhiều người cho rằng chỉ có một số hộ dân sống gần đó mới cần làm đường, còn đa phần họ chấp nhận đi đường, hẻm khác để ra đường Phạm Văn Đồng dù xa hơn. Hơn nữa, làm đường xong thì không ai quản lý các xe tải trọng lớn đi lại dễ dẫn đến hư hỏng. Một số hộ khác thì đề nghị tổ dân phố cũng như UBND phường vận động các đơn vị quân đội gần đó đóng góp kinh phí hỗ trợ người dân làm đường.

Trao đổi với P.V, ông Đặng Đình Mai-Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa-cho biết: Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng khoản vốn đối ứng của bà con là khá lớn nên chưa triển khai thực hiện được. Mặt khác, ở vị trí đoạn đường bị hư hỏng này chỉ có gần 20 hộ dân sinh sống nên những hộ gần kề không mặn mà đến việc đóng góp kinh phí làm lại đoạn đường hư hỏng này.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa: Trước đây, phường cũng có thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự toán đầu tư đoạn đường dài 310 m này với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Trong đó, khoản đóng góp của người dân gần 100 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 70%, người dân đóng góp 30%).

“Nếu người dân quyết tâm làm thì tổ dân phố 4 đứng ra vận động kinh phí bằng nhiều hình thức, phường cũng tích cực huy động kinh phí để đầu tư. Nếu để tình trạng này kéo dài không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị”-ông Mai đề cập.

Có thể bạn quan tâm

Chờ sửa luật Đất đai

Chờ sửa luật Đất đai

Đó là tâm trạng của người dân và doanh nghiệp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất.

Xe đưa đón cán bộ công chức xuống Quy Nhơn làm việc

Nhu cầu đi lại tuyến Pleiku-Quy Nhơn tăng đột biến sau khi sáp nhập tỉnh

(GLO)- Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai đặt trụ sở hành chính tại phường Quy Nhơn. Nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh Gia Lai (cũ) đến nơi làm việc mới cũng tăng mạnh, kéo theo hoạt động vận tải hành khách tuyến Pleiku-Quy Nhơn và ngược lại cũng tăng đột biến.

Suối Bứa lại tiếp tục bị băm nát

Suối Bứa lại tiếp tục bị băm nát

(GLO)- Hoạt động khai thác cát trái phép tại suối Bứa (đoạn qua xóm 2, thôn Long Thành, phường Quy Nhơn Tây) tưởng chừng đã chấm dứt nay lại tiếp tục diễn ra rầm rộ bằng các loại máy móc phương tiện khiến người dân lo lắng, bất an.

null