Dùng vaccine AstraZeneca để đối chứng tính sinh miễn dịch vaccine Covivac

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine COVIVAC, thay vì sử dụng giả dược để tiêm cho nhóm đối chứng như giai đoạn 1 thì nhóm nghiên cứu đã thay bằng tiêm vaccine AstraZeneca, nhằm mục đích đối chứng tính sinh miễn dịch của 2 loại vaccine COVID-19 này.

Vaccine COVIVAC của IVAC. Ảnh: IVAC
Vaccine COVIVAC của IVAC. Ảnh: IVAC
Vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế IVAC (thuộc Bộ Y tế) nghiên cứu, phát triển. Đây là vaccine phòng COVID-19 thứ 2 ở Việt Nam được Bộ Y tế cho phép tiêm thử nghiệm trên người (sau vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen). Ở giai đoạn 1, vaccine Covivac được tiêm thử nghiệm cho 100 tình nguyện viên tại trường Đại học Y Hà Nội. Hôm nay, vaccine này chính thức bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, quá trình tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Covivac tại Thái Bình được thực hiện với 375 tình nguyện viên chia làm 3 nhóm tuổi, gồm từ 18 đến 39 tuổi; 40 đến 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên; trong đó, triển khai tiêm 3 nhóm khác nhau: nhóm 1 tiêm mức liều 3 microgam, nhóm 2 tiêm mức liều 6 microgam và nhóm 3 tiêm vaccine đối chứng là AstraZeneca (mỗi nhóm 125 người).
Dự kiến, ngày 23.8 sẽ hoàn thành việc tiêm thử nghiệm mũi 1 vaccine Covivac và tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 sau mũi tiêm đầu tiên 28 ngày. Sau khi tiêm, các tình nguyện viên tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà và lấy mẫu máu 3 lần vào các mốc thời điểm: trước khi tiêm vaccine, 14 ngày và 6 tháng sau tiêm lần 2, nhằm đo lường lượng kháng thể sản sinh trong máu chống lại virus SARS-CoV-2, từ đó xác định tính hiệu quả của vaccine.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế IVAC (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 2 này, thay vì sử dụng giả dược để tiêm cho nhóm đối chứng như giai đoạn 1 thì nhóm nghiên cứu đã thay bằng tiêm vaccine AstraZeneca, nhằm mục đích đối chứng tính sinh miễn dịch của 2 loại vaccine. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ gửi mẫu sang Canada để đánh giá hiệu quả của vaccine.
Quá trình lựa chọn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine COVIVAC được thực hiện kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí: độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, không có bệnh cấp tính nghiêm trọng, không có bệnh mãn tính chưa được kiểm soát trong vòng 90 ngày, cân nặng và chiều cao phù hợp, cư trú trong khu vực nghiên cứu và đồng ý tham gia tất cả các lần khám nghiên cứu. Nếu là nữ có khả năng mang thai, tình nguyện viên phải đồng ý sử dụng các biện pháp tránh thai ít nhất 28 ngày sau khi tiêm mũi 2.
Công tác phục vụ tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac được tỉnh Thái Bình chuẩn bị chu đáo, nghiêm ngặt như tại các điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 khác. Huyện Vũ Thư đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đưa đón tình nguyện viên từ địa phương đến Trung tâm Y tế huyện. Các hoạt động khám sàng lọc, lấy mẫu, tiêm vaccine, theo dõi an toàn sau tiêm được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư.
Ngày 18.8, Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế) đã tiêm thử nghiệm vaccine Covivac cho khoảng 80 tình nguyện viên thuộc 3 xã Minh Lãng, Việt Hùng và Bách Thuận (huyện Vũ Thư- tỉnh Thái Bình). Buổi tiêm đầu tiên diễn ra an toàn, đa số các tình nguyện viên được theo dõi sau tiêm 30 phút đều cảm thấy sức khỏe ổn định, bình thường. Thái Bình là địa phương duy nhất trong cả nước được lựa chọn tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine Covivac.
THÙY LINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?