Đừng để thí sinh thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2023 đã gần như khép lại với gần 500.000 thí sinh (TS) xác nhận nhập học đợt 1 trên hệ thống, chiếm 80,8% TS trúng tuyển.

Dù vẫn còn cơ hội cho TS khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung ở một số trường ĐH, song nhiều trường đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới với tỉ lệ xác nhận nhập học rất cao, như 98,48% tại Trường ĐH Luật Hà Nội.

Năm nay, nghịch lý phải có điểm chuẩn kịch trần mới trúng tuyển như các mùa tuyển sinh trước đã không còn. Thế nhưng, cùng với các trường được tự chủ tuyển sinh, tại đa số trường tốp đầu, việc xét tuyển không còn phụ thuộc nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chuyện "thủ khoa toàn quốc vẫn trượt nguyện vọng 1" như trường hợp 2 TS đăng ký ngành khoa học máy tính - ĐH Bách khoa Hà Nội khiến nhiều người băn khoăn: Tuyển sinh thế nào để các em không thiệt thòi?

Từ đầu năm, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh, dành 85%-90% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi, còn lại là xét tuyển sớm (10%-15%). Xét tuyển bằng điểm thi gồm 2 phương thức: Thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và thi tốt nghiệp THPT. Với việc xét điểm thi đánh giá tư duy, trường áp dụng chế độ điểm thưởng dành cho TS có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS hoặc VSTEP, đồng nghĩa với lợi thế dành cho những em có chứng chỉ ngoại ngữ.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng dành 75% chỉ tiêu xét tuyển sớm, chỉ 25% xét điểm thi tốt nghiệp THPT...

Chính vì chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT hạn chế nên điểm chuẩn theo phương thức này của các trường tốp trên trở nên rất cao. Rất nhiều ngành khoa học xã hội của ĐHQG Hà Nội lấy điểm chuẩn 28 - 29. Với các ngành "hot" khối kinh tế, công nghệ thông tin, TS cũng phải đạt điểm 27 - 28 mới đậu. Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, muốn có 1 suất học, TS phải đạt trung bình 9 điểm/môn, bởi ngành thấp nhất của trường đã lấy tới 26,1 điểm...

Tự chủ ĐH giúp các trường được phép tự chủ tuyển sinh, chọn TS phù hợp nhất, theo cách phù hợp nhất. Đại diện một số trường ĐH cho rằng xét điểm thi tốt nghiệp THPT không phù hợp với những ngành mà việc tuyển chọn có tính cạnh tranh cao. Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường không ưu tiên tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy kết quả kỳ thi này không hoàn toàn phù hợp với việc tuyển sinh của họ. Tuy nhiên, với phần đông TS không có điều kiện học ngoại ngữ, kỳ thi tốt nghiệp THPT lại là con đường duy nhất để đặt chân vào ngôi trường ĐH mơ ước.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận điểm yếu nhất của kỳ thi tuyển sinh năm 2023 là giữa các phương thức tuyển sinh chưa bảo đảm sự công bằng nhất định. Trên thực tế, xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ giúp nhiều TS dễ dàng trúng tuyển hơn so với các phương thức khác.

Thay đổi cách thức thi cử để bảo đảm TS không thiệt thòi trước ngưỡng cửa vào ĐH là yêu cầu đang được đặt ra. Các chuyên gia cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ để kết quả học tập bậc THPT bảo đảm trung thực, để các trường ĐH có thể yên tâm khi xét tuyển bằng học bạ. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp THPT để bảo đảm tính phân loại cũng như siết chặt kỷ luật thi cử. Chỉ khi các trường ĐH tin tưởng vào chất lượng đào tạo ở bậc THPT thì TS mới không bị mất đi cơ hội vào được trường mình yêu thích sau những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Có thể bạn quan tâm

Trách nhiệm với cơ sở

Trách nhiệm với cơ sở

Nhiều cán bộ công an cấp phòng, cấp huyện xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho Đề án “Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Lãi vay thấp, thời hạn vay dài là điều kiện quá tốt để người trẻ nói riêng và người có thu nhập thấp nói chung sở hữu một chỗ an cư. Thế nhưng chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa thì cung - cầu trên thị trường bất động sản mới có thể gặp nhau.

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản năm qua là một trong những mảng sáng của bức tranh kinh tế đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.

Thương chiến đã đến cửa

Thương chiến đã đến cửa

Như vậy, chỉ 5 ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị kịch bản ứng phó cho khả năng chiến tranh thương mại, thì nguy cơ này đã bắt đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế VN.

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Là năm tăng tốc, về đích trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và khởi động cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, thế nên tết năm 2025 đã diễn ra hết sức đặc biệt.