Thí sinh phải đóng lệ phí xét tuyển đại học hai lần, Bộ GD-ĐT nói gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây là hai lệ phí tách biệt, thu hai lần cho hai công đoạn, hai công việc hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, bộ đã phải nâng cấp hệ thống
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong mùa xét tuyển đại học năm nay, thí sinh khi xét tuyển sớm sẽ phải có hai lần đóng lệ phí xét tuyển, gồm lệ phí xét tuyển đóng trực tiếp cho các trường đại học khi nộp hồ sơ về trường và lệ phí xét tuyển đóng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của bộ.

Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng học sinh đang phải chịu cảnh "phí chồng phí," chưa kể mỗi trường một mức khác nhau.

Nhiều mức phí khác nhau

Lệ phí xét tuyển sớm theo các phương thức khác nhau (trừ xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông) do các trường tự quy định. Vì thế, với mỗi trường, mỗi phương thức xét tuyển có mức lệ phí và cách tính lệ phí khác nhau. Có trường thu theo hồ sơ, có trường thu theo nguyện vọng, hoặc theo phương thức xét tuyển.

Đại học Bách khoa Hà Nội thu lệ phí theo từng phương thức xét tuyển khác nhau (ngoài mức phí thi Đánh giá năng lực là 300.000 đồng). Cụ thể, lệ phí đăng ký xét tuyển thẳng là 50.000 đồng, lệ phí đăng ký xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế hoặc theo hồ sơ năng lực là 150.000 đồng. Ngoài ra, thí sinh sử dụng các chứng chỉ VSTEP, IELTS hoặc tương đương còn phải chi thêm phí “xác minh” là 50.000 đồng.

Đại học Luật Hà Nội quy định lệ phí xét tuyển theo tổng số nguyện vọng đăng ký, trong đó nguyện vọng 1 lệ phí là 100.000 đồng, từ nguyện vọng 2 lệ phí là 30.000 đồng/nguyện vọng. Đại học Thương mại có lệ phí “đồng giá” cho các nguyện vọng là 20.000 đồng/nguyện vọng. Học viện ngoại giao lại thu lệ phí theo hồ sơ của thí sinh với mức 100.000 đồng/hồ sơ.

Trong khi đó, có trường lại không thu lệ phí xét tuyển của thí sinh cho các phương thức xét tuyển riêng của trường như Đại học Ngoại thương.

Thí sinh tìm hiểu thông tin các ngành đào tạo và trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thí sinh tìm hiểu thông tin các ngành đào tạo và trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh phí xét tuyển nộp cho các trường đại học, năm nay, thí sinh còn phải đóng thêm mức phí xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mức 20.000 đồng cho mỗi nguyện vọng. Việc đăng ký này là bắt buộc dù thí sinh đã trúng tuyển sớm vào các trường, nhằm hạn chế tình trạng thí sinh ảo. Thí sinh càng đăng ký nhiều nguyện vọng, số lệ phí theo đó càng tăng lên.

Hai lệ phí, hai công đoạn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống năm nay là khoảng 3,4 triệu nguyện vọng, số lệ phí tương ứng khoảng 68 tỷ đồng. Số thí sinh đăng ký xét tuyển khoảng 660.000 em.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy năm 2022, số thí sinh nhập học theo các phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 47,98%. Số thí sinh nhập học theo phương thức tuyển sinh riêng của trường chiếm khoảng 52%, chưa kể những thí sinh có xét tuyển riêng nhưng không nhập học theo các phương thức này hoặc không trúng tuyển nguyện vọng nào. Theo đó, tổng số lệ phí thí sinh phải đóng về cho các trường là không nhỏ.

Trước câu hỏi có hay không việc thí sinh đang phải đóng lệ phí xét tuyển đại học hai lần, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây là hai lệ phí tách biệt, thu hai lần cho hai công đoạn, hai công việc hoàn toàn khác nhau.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, vấn đề lệ phí xét tuyển đã được bộ thống nhất với các cơ sở giáo dục đại học tại Hội nghị tuyển sinh được tổ chức tháng Ba vừa qua. Cụ thể, lệ phí xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống là 20.000 đồng/nguyện vọng. Các trường đại học căn cứ vào mức này để đề ra mức lệ phí (nếu có) cho các phương thức xét tuyển riêng của mình. Trong trường hợp trường có thu lệ phí thì lệ phí của trường chỉ tính đến các việc trường thực hiện xử lý trong quá trình xét tuyển sớm, không bao gồm chi phí cho phần xử lý, sắp xếp trên hệ thống chung.

Vì vậy, mức lệ phí 20.000 đồng gồm chi phí vận hành hệ thống và chi phí cho việc xử lý, sắp xếp của các trường trong quá trình này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay năm nay hệ thống phần mềm tuyển sinh được nâng cấp, mở rộng chức năng, cập nhật, đổi mới theo hướng thuận lợi hơn cho thí sinh và đảm bảo tối đa quyền lợi cho các em. Cụ thể, thí sinh khi đăng ký xét tuyển chỉ cần đăng ký theo ngành, không cần đăng ký theo phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển vốn dễ gây nhầm lẫn cho các em như năm trước, nhưng hệ thống vẫn sẽ tự chạy đảm bảo xem xét khả năng đỗ của thí sinh trên tất cả các phương thức, các tổ hợp xét tuyển mà hồ sơ, điểm số của các em có thể đáp ứng.

Hệ thống cũng cập nhật dữ liệu các kỳ thi riêng của các trường để xét tuyển cho thí sinh, không có sự phân biệt trúng tuyển sớm hay không. Thí sinh có kết quả trúng tuyển sớm theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực… chỉ là các nguồn dữ liệu để xét tuyển.

Những thay đổi này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đơn giản hóa thủ tục cho các em nhưng phức tạp cho phần mềm, cho đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật, cho hệ thống. Nâng cấp phần mềm nhưng lệ phí xét tuyển công đoạn này năm nay giữ nguyên như năm 2022, dù năm 2022, mức lệ phí xét tuyển đã giảm 5.000 đồng/nguyện vọng so với mức phí 25.000 đồng của năm 2021.

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.