Đừng để người Việt chưa giàu đã già!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm.

Đây được xem là cơ hội thuận lợi để lực lượng lao động đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng triệt để cơ hội này, hạn chế thấp nhất tác động của tình trạng già hóa dân số, tạo ra những bước tiến mang tính đột phá đưa đất nước phát triển là vấn đề cần phải quan tâm.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Dân số Việt Nam vừa cán mốc 100 triệu người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) đến cuối năm 2023 chiếm khoảng 67,5%. Đây được gọi là thời kỳ “dân số vàng” của đất nước với khoảng 1,5-1,6 triệu người bước vào tuổi lao động mỗi năm.

Tuổi thọ của người Việt sau nửa thế kỷ đã tăng từ 40 (năm 1960) lên 73,7 (năm 2023) và sẽ còn tăng hơn nữa trong vài ba thập kỷ tới. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam cũng có bước cải thiện đáng kể. Chiều cao trung bình của thanh niên sau 30 năm tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam và 156,2 cm ở nữ (năm 2020).

Được biết, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài khoảng 30-35 năm, thậm chí là 40-50 năm. Đồng nghĩa với chừng ấy thời gian, chúng ta có lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Nhiều quốc gia châu Á tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” đã tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong gần 30 năm qua.

Thực tế cho thấy, cơ hội “dân số vàng” không tự tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng “lao động vàng”, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nếu giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm nhận tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.

Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, “dân số vàng” sẽ không có giá trị nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề.

Đã qua rồi cái thời của lợi thế lao động giá rẻ. Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải khắc phục ngay sự thiếu hụt nguồn nhân lực có năng suất và hàm lượng công nghệ cao, nhất là đối với lực lượng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng...

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay cũng là dịp tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển của Liên hợp quốc, Việt Nam chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, với phương châm tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư.

Cơ hội dân số chỉ tạo ra điều kiện, còn môi trường chính sách mới là yếu tố quyết định, cho phép tận dụng được cơ hội đó. Vì vậy, để tận dụng cơ hội “dân số vàng” rất cần những giải pháp mang tầm vĩ mô của Nhà nước. Nhưng trước hết, người lao động cần chủ động tạo ra giá trị tích lũy nhiều nhất có thể cho mình và xã hội bằng cách tích cực học tập và đào tạo.

Đừng để người Việt chưa giàu đã già. Hãy vượt qua thách thức của giai đoạn già hóa dân số bằng những chính sách thích ứng về phát triển mạng lưới y tế lão khoa và hệ thống an sinh xã hội. Đó cũng là truyền thống, là cách ứng xử văn minh của người Việt Nam-một dân tộc vốn trọng đạo lý, tình cảm gia đình, hiếu đạo với đấng sinh thành nói riêng và người cao tuổi nói chung.

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 để đạt được các mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển. Vì vậy, cần gia tăng cơ hội sản xuất kinh doanh, thu hút người dân trong độ tuổi lao động làm việc, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xã hội tiêu cực do tình trạng thiếu việc làm gây ra để “dân số vàng” thực sự là cơ hội cho đất nước phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Theo Bộ Nội vụ, quy mô công chức, viên chức dự kiến giảm 20%, tương đương 100.528 người (không tính viên chức y tế và giáo dục). Chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước là đúng đắn. 

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập hồi đầu năm nay, nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã vào cuộc triển khai nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật để thực hiện.

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống người dân.

Chứng khoán lạnh và nóng

Chứng khoán lạnh và nóng

Lên cao vút, xuống mất hút; lúc lên thì không ai bán, lúc xuống lại chẳng ai mua... là tình trạng thị trường chứng khoán trong nước mấy phiên vừa qua. Chuyện này cũng chẳng có gì mới nhưng chỉ lúc xong rồi, rất nhiều người mới nhận ra mình đã phản ứng "quá nóng" ở thời điểm cần có một cái đầu lạnh.

Bụt nhà không thiêng?

Bụt nhà không thiêng?

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, trong quý 1 năm nay, có hơn 6.000 vị trí công việc với mức lương trên 50 triệu đồng/tháng được các doanh nghiệp (DN) đăng tuyển cho người lao động (NLĐ) VN, theo quy định tại Nghị định 70/2023 của Chính phủ.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Giảm tải cho học sinh

Giảm tải cho học sinh

Không phải ngẫu nhiên mà phát ngôn mới đây của lãnh đạo vụ chức năng thuộc Bộ GD-ĐT về việc 'bắt buộc' dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS, THPT lại làm dậy sóng dư luận đến vậy.