Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử: Yêu cầu cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, việc mua bán hàng online đang được khai thác triệt để, cho thấy thế mạnh của thời đại công nghệ số. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì mua bán hàng online đang phát huy lợi thế vượt trội. 

 

Nhiều HTX đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều hợp tác xã đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo

Gần đây nhất, khi dịch bệnh ở Bắc Giang diễn biến phức tạp đúng vào cao điểm vụ thu hoạch vải thiều, 6 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn của Việt Nam đã vào cuộc hỗ trợ người trồng vải bán hàng online. Kết quả là hàng ngàn tấn vải thiều đã được tiêu thụ trong thời gian ngắn.

Gia Lai hiện có 33 loại nông sản trao đổi, tiêu thụ trên sàn TMĐT Voso.vn (của VIETTELPOST) đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 gần 420 triệu đồng; 90 loại nông sản trao đổi, tiêu thụ trên sàn TMĐT Postmart.vn (của VNPOST) đạt gần 50 triệu đồng. Đây là con số quá khiêm tốn với tiềm năng thực tế của tỉnh.

Đánh giá về nông sản Gia Lai trên 2 sàn TMĐT, ngành chức năng cho rằng, thuận lợi là vì mạng lưới điểm phục vụ bưu chính rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cộng với công tác thu gom, đóng gói, vận chuyển sản phẩm của VNPOST, VIETTELPOST được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và đảm bảo an toàn. Cùng với đó, các doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí những chi phí: tạo gian hàng, hỗ trợ, tư vấn... để đưa nông sản lên sàn TMĐT; hỗ trợ giá cước chuyển phát nông sản từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Tuy vậy, lượng hàng nông sản của tỉnh đưa lên sàn TMĐT vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có. Hiện Gia Lai có 149 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao nhưng nông sản đưa lên sàn chủ yếu là: cà phê, hồ tiêu, măng, trái cây, điều, mật ong… Đặc biệt, các sàn TMĐT lớn và phổ biến đối với người tiêu dùng Việt như: Lazada, Shopee, Sendo thì hàng nông sản Gia Lai chưa có hoặc rất ít. Như vậy, sản phẩm OCOP của tỉnh đã mất đi cơ hội tiếp cận người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc không có cơ hội giới thiệu ra thị trường rộng lớn hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-nhận xét: Thực tế doanh thu phát sinh trên sàn TMĐT không tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh; kiến thức về công nghệ thông tin của người dân và nhà sản xuất còn hạn chế, gây khó khăn khi tiếp cận môi trường kinh doanh TMĐT. Cùng với đó, một số sản phẩm OCOP có thời gian bảo quản ngắn nhưng lại mất nhiều thời gian để đăng bán, giao đến tay người dùng dẫn đến chất lượng không đảm bảo như ban đầu. Số lượng các mặt hàng đăng bán trên sàn chưa đa dạng, công nghệ quảng cáo không theo kịp các nền tảng trên các sàn TMĐT khác như: Shopee, Lazada... cho nên người dân ít có sự lựa chọn, cũng như chưa thực sự tin tưởng vào nền tảng số.

Đưa sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT là việc làm cấp thiết hiện nay. Đây không chỉ đơn thuần bán nông sản mà còn là hình thức giới thiệu sản phẩm thiết thực và hiệu quả nhất. Bởi lẽ, các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản trong và ngoài nước đều coi sản phẩm trên sàn TMĐT là một kênh thăm dò thị hiếu người tiêu dùng cũng như đặc biệt quan tâm đến sự phản hồi của khách hàng để lại trên sàn sau khi sử dụng sản phẩm. Để làm được việc này, ngoài sự chủ động từ người làm ra sản phẩm thì các cơ quan liên quan cần có chủ trương cụ thể, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp cách tiếp cận cũng như khai thác tối đa thế mạnh của sàn TMĐT. Và trên hết là thay đổi tư duy bán hàng từ truyền thống sang kinh doanh online.

Cùng với việc giới thiệu các sản phẩm OCOP thì kinh doanh những mặt hàng này trên sàn TMĐT là một kênh không thể thiếu. Nó sẽ đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập. Nhưng để tồn tại và nhận được hiệu quả kinh tế cao thì sản phẩm lên sàn phải đảm bảo từ chất lượng đến hình thức. Đây là việc làm không khó nhưng cũng không hề đơn giản đối với tư duy kinh doanh của một số nông dân.

 

 MINH THI

Có thể bạn quan tâm

Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.