Chùa Trà Phương (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) hiện đang lưu giữ tượng Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Đây là hai cổ vật vừa được công nhân là bảo vật quốc gia.
Tượng thờ tinh xảo có từ thời Lý, thời Mạc ở chùa Trà Phương Ảnh Lê Tân |
Chùa Trà Phương nằm ở thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Theo UBND xã Thụy Hương, chùa Trà Phương được xây dựng từ thời Lý và được trùng tu tôn tạo một cách quy mô vào đời nhà Mạc (thế kỷ 16).
Về mặt kiến trúc, chùa Trà Phương có mặt chính quay hướng tây nam. Chùa gồm tòa điện phật, tòa thờ các vị sư tổ, nhà khách, nhà bia, sân vườn và kiến trúc cổng chùa.
Thời Lý, chùa được xây dựng trên một gò đất cao xung quanh cây cối rậm rạp, xa xóm làng nên được gọi là Bà Đanh tự. Đến thế kỷ 16, chùa được nhà Mạc trùng tu lấy tên là Thiên Phúc tự. Đến năm 2017, chùa Trà Phương được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Khuôn viên chùa Trà Phương - Ảnh Lê Tân |
Đáng chú ý, trong chùa Trà Phương hiện nay còn gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật thời Lý và thời Mạc.
Nổi bật trong số những di vật này là tượng vua Mạc Đăng Dung và phù điêu hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Hai bảo vật này hiện còn nguyên vẹn.
Chùa Trà Phương hiện nay còn gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật thời Lý và thời Mạc - Ảnh Lê Tân |
Theo Sở VH-TT TP.Hải Phòng, bà Vũ Thị Ngọc Toàn là người làng Trà Phương và là chính thất của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Người dân địa phương đến ngày nay vẫn còn truyền tụng câu ca “Cổ Trai đế vương - Trà Phương công chúa” để nói về vua và hoàng hậu mà Mạc.
Qua tư liệu ghi chép trên tấm bia đá “Tu tạo Bà Đanh tự” khắc vào năm 1562, đời vua Mạc Mậu Hợp cho biết, bà Vũ Thị Ngọc Toàn đã cùng với 25 thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc đóng góp công của xây dựng lại chùa tại vị trí hiện nay.
Vườn bia cổ ghi chép công lao trùng tu chùa của bà Vũ Thị Ngọc Toàn- Ảnh Lê Tân |
Theo bản thuyết minh về hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia của Bảo tàng TP.Hải Phong thì tượng Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung được tạc từ đá xanh, đã bay màu và có niên đại từ thế kỷ XVI.
Tượng Mạc Thái Tổ có chiều cao 63 cm, ngang 37 cm, được tạo tác theo phong cách tượng tròn với dạng thức kiểu tượng hậu. Tượng có khuôn mặt trái xoan, mắt tròn to, mũi phồng, đầu mũi khá to, miệng nhỏ hơi mím, tai to, cằm nhọn. Tổng thể tượng thể hiện người luống tuổi, quyền thế, hoàng gia.
Tượng vua Mạc Đăng Dung được tạc từ đá xanh, đã bay màu và có niên đại từ thế kỷ XVI - Ảnh Lê Tân |
Trong khi đó, phù điêu Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được tạc hõm sâu vào một khối đá. Tượng có mặt tròn, thon gọn, phúc hậu, lông mày lá liễu, mắt phượng, mũi thấp. Đầu tượng để tóc bối, bổ ngôi và sơn đen. Tượng được tạc tỉ mỉ, cân đối và tự nhiên hơn tượng vua Mạc Đăng Dung.
Nói về tuổi đời hai bảo vật, ông Nguyễn Đình Lượng (70 tuổi, nguyên trưởng làng Trà Phương), hiện được giao trông coi chùa Trà Phương, cho biết: “Từ thời ông, bà tôi đã thấy trong chùa có 2 bức tượng này rồi, cổ và quý lắm”.
Phù điêu Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được tạc hõm sâu vào một khối đá - Ảnh Lê Tân |
Đến tháng 12.2020, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là bảo vật quốc gia. Trước đó, H.Kiến Thụy đã có một cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó chính là thanh đại đao của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Với những giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, chùa Trà Phương là một điểm đến hấp dẫn để du khách du xuân.
Theo LÊ TÂN (TNO)