Ba tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch tại nhiều địa phương ở Nam Bộ đã đạt kết quả khá ấn tượng, thể hiện việc triển khai đúng hướng, hiệu quả các biện pháp mở cửa du lịch.
Một bãi tắm biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN |
Kết thúc quý 1/2022 với nhiều kết quả khả quan trong phục hồi du lịch thích ứng trạng thái bình thường mới, ngành du lịch các địa phương phía Nam đã sẵn sàng nhiều sản phẩm, sự kiện ấn tượng, hứa hẹn thu hút du khách nội địa và quốc tế ngay trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cũng như mùa du lịch Hè năm nay.
Phục hồi rõ rệt
Ba tháng đầu năm 2022, với sự thích ứng linh hoạt, khôi phục mạnh mẽ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát an toàn dịch COVID-19, hoạt động du lịch tại nhiều địa phương đã đạt kết quả khá ấn tượng, thể hiện việc triển khai đúng hướng, hiệu quả các biện pháp mở cửa du lịch.
Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước. Với những lợi thế phát triển các loại hình du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, điểm đến Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn đối với du khách.
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong quý 1 năm nay, tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh phục vụ đạt gần 1,4 triệu lượt khách, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm trước.
Du khách quốc tế khám phá không gian du lịch 'đảo ngọc' Phú Quốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN |
Không chỉ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 mà ngay trong tháng Ba, dù không phải là thời gian cao điểm của du lịch, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ trên địa bàn vẫn thu hút rất đông du khách, nhất là vào dịp cuối tuần.
Ở khu vực Tây Nam Bộ, đại diện Sở Du lịch Kiên Giang cho biết trong 3 tháng đầu năm, Kiên Giang đón gần 1,6 triệu lượt du khách, tăng hơn 31% so với cùng thời điểm năm 2021, tổng doanh thu đạt 1.408 tỷ đồng, tăng hơn 3% so cùng kỳ năm 2021. Riêng thành phố Phú Quốc đón trên 1,1 triệu lượt du khách.
Cả năm 2022, du lịch Kiên Giang đặt mục tiêu đón 5,6 triệu lượt du khách, trong đó riêng thành phố biển đảo Phú Quốc đón 3,8 triệu lượt du khách.
Tương tự, du lịch tỉnh Bạc Liêu với những điểm đến nổi bật, tạo sản phẩm du lịch đặc thù như: Khu lưu niệm nghệ thuật đờn tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, Khu du lịch sinh thái điện gió Hòa Bình 1, Khu du lịch Nhà Mát trong 3 tháng đầu năm đón khoảng 950.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 795 tỷ đồng, tăng 54% cùng kỳ năm 2021.
Tỉnh Đồng Tháp - địa phương có thế mạnh về các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn và làng nghề, trong quý 1 đón khoảng 900.000 lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 300 tỷ đồng, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm 2021.
Cũng trong quý 1, dù còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi du lịch song nhiều doanh nghiệp lữ hành đã nỗ lực hoàn thiện, làm mới các tour, tuyến theo hướng tăng cường kết nối, khai thác sản phẩm giàu tính trải nghiệm để thu hút du khách.
Theo thông tin từ Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, chỉ tính riêng ở dòng khách hàng của loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện), trong tháng Ba năm nay, doanh nghiệp này phục vụ hơn 80 đoàn với hơn 13.000 du khách sử dụng các dịch vụ và không gian điểm đến được bố trí đảm bảo an toàn phòng dịch, nhiều trải nghiệm, phù hợp với từng đoàn du khách.
Nhiều sản phẩm hấp dẫn dịp nghỉ lễ và mùa du lịch Hè 2022
Những kết quả đạt được đối với hoạt động du lịch trong 3 tháng đầu năm nay đang tạo đà thuận lợi ngành du lịch các địa phương phía Nam tự tin triển khai nhiều chương trình, sản phẩm mởi, tăng sức hấp dẫn, giàu tính trải nghiệm trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4-1/5, cũng như mùa du lịch Hè năm nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông Vận tải Việt Nam, thị trường du lịch đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải nỗ lực trong đổi mới sản phẩm, xây dựng các đường tour phù hợp. Hết quý 1 năm nay, đặc biệt là trong dịp Hè 2022, sẽ là giai đoạn tăng tốc của các hoạt động du lịch ở Việt Nam.
Dự đoán lượng khách đi du lịch dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, dịp 30/4 và 1/5 tăng cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành, ngành du lịch các tỉnh, thành sớm có kế hoạch, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, sự kiện mang tính điểm nhấn, thu hút du khách.
Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã công bố 60 sản phẩm du lịch trọn gói trong và ngoài nước, cùng nhiều gói dịch vụ đa dạng, những ưu đãi để du khách lựa chọn trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4-1/5.
Trong khi đó, tạo điểm nhấn từ các sự kiện văn hóa-nghệ thuật để vừa tôn vinh di sản văn hóa của dân tộc, vừa tăng sức hút đối với du khách, tại thành phố Cần Thơ, chuỗi các hoạt động biểu diễn giới thiệu, trải nghiệm trong khuôn khổ hai sự kiện là Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 3 và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2022 với chủ đề "Hồn Việt phương Nam" sẽ được tổ chức từ ngày 6-11/4.
Diễn ra đúng dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, chuỗi các hoạt động này sẽ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc cho thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Trung tâm phát triển du lịch thành phố Cần Thơ, bên cạnh các sự kiện lớn, trong các dịp nghỉ lễ cũng như mùa Hè năm nay, các khu, điểm du lịch đều có nhiều sản phẩm hấp dẫn, được hoàn thiện, làm mới theo hướng tăng tính trải nghiệm, khám phá cho du khách gắn với đời sống nơi miệt vườn, sông nước cùng các hoạt động trồng trọt, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, chế biến các đặc sản ẩm thực tại huyện Phong Điền, các quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt…
Du khách tham gia trò chơi chèo xuồng tại Khu du lịch sinh thái nông nghiệp Tiên Định, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN |
Còn theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, dự kiến từ ngày 19-21/5, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất với chủ đề "Sen ngày mới" được tổ chức. Hàng loạt hoạt động như xác lập kỷ lục 200 món ăn từ sen, thi sáng tác ca khúc, hình ảnh đẹp về Đồng Tháp, thi người đẹp Đất Sen hồng sẽ diễn ra tại thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, các huyện Lấp Vò, Tháp Mười.
Cùng với đó, trong thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm, làm mới, nâng chất các sản phẩm du lịch hiện có, triển khai dự án Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc gắn với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" để thu hút du khách đến du lịch Đất Sen hồng.
Ở cực Nam Tổ quốc, trong năm 2022, tỉnh Cà Mau có chuỗi hoạt động trải đều trong năm thuộc Chương trình "Cà Mau - Điểm đến 2022" tăng cường quảng bá, giới thiệu đến du khách hình ảnh con người và vùng đất Cà Mau thông qua hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại đặc sắc.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tại Cà Mau có các sự kiện Lễ hội tri ân Quốc Tổ, Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ...
Dịp lễ 30/4 và 1/5, tỉnh tổ chức chuỗi sự kiện "Hương rừng U Minh," trong đó tổ chức xác lập kỷ lục tổ ong lớn nhất Việt Nam của nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ, giải đua xe đạp xuyên rừng U Minh Hạ, giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, Hội chợ thương mại kết hợp trưng bày sản phẩm mật ong và các loại thủy sản nước ngọt, tham quan vườn cây ăn trái kết hợp trải nghiệm thu hoạch các loại cá đồng.
Với thế mạnh tài nguyên du lịch từ Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước gắn với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, thuộc hệ sinh thái rừng ngập ngọt và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, những sự kiện được tổ chức sẽ tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách đến, trải nghiệm ở vùng đất cực Nam đất nước.
Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)