Du lịch miền Tây nghĩ về Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vừa rồi, tôi có dịp trở lại các tỉnh miền Tây Nam bộ sau gần 20 năm. Chuyến đi này thực sự để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp về một vùng đất năng động, nổi bật là cách làm du lịch.
Thực vậy, không chỉ giỏi về nông nghiệp, đứng đầu cả nước với nghề trồng lúa, nuôi cá xuất khẩu, các tỉnh miền Tây còn quan tâm khuyến khích các gia đình làm du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời quảng bá được hình ảnh đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của cư dân trong vùng ra các tỉnh thành trong nước và cả quốc tế.
Hình thức du lịch miệt vườn ngày càng được người dân miền Nam ưa chuộng (Ảnh ST)
Cồn Thới Sơn - Thiên đường miệt vườn chốn sông nước Tiền Giang (Ảnh internet)
Một trong những địa chỉ gây chú ý cho tôi trong chuyến tham quan này là cơ sở làm bánh pizza hủ tiếu Sáu Hoài ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Dựa trên nguyên liệu sẵn có ở địa phương, cơ sở Sáu Hoài đã “biến tấu” hủ tiếu thành món pizza nổi tiếng ở các nước Âu Mỹ: sợi hủ tiếu chiên xong cho vào dĩa, rắc lên một ít rau thơm và sau đó là thịt khìa hoặc chả chiên, sau cùng rưới nước cốt dừa lên và cho thêm vào đậu phộng rang giã giập ăn kèm với nước mắm chua cay hoặc tương cay. Vị mặn mặn, beo béo, chua chua, cay cay của món ăn khá lạ lẫm này làm thực khách ăn đến căng bụng. Đến tham quan, du khách có thể tận mắt theo dõi các công đoạn làm hủ tiếu truyền thống từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, đóng gói thành phẩm. Riêng khâu cắt sợi, khách có thể được chủ nhân hướng dẫn để làm từ máy cắt tại chỗ.
Điểm du lịch thứ 2 là làng nghề trên cồn Thới Sơn (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Cồn Thới Sơn còn gọi là cồn Lân, là cồn lớn nhất trong 4 cồn trên sông Mỹ Tho (một đoạn của sông Tiền). Dân cư sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn quả, nuôi ong, đánh bắt và nuôi thủy sản. Đây cũng có thể coi như một điểm tham quan du lịch đại diện cho cả miền Tây Nam bộ với các loại hình đậm chất miệt vườn: thưởng thức trái cây, thăm làng nghề thủ công, sinh hoạt đờn ca tài tử.
Vừa đặt chân lên cồn Thới Sơn, du khách đã có thể ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng của hoa nhãn và sa pô chê trong các khu vườn mát rượi tỏa ra. Du khách được thưởng thức sản phẩm trà pha mật ong Thới Sơn (đàn ong ở đây chủ yếu lấy mật từ hoa nhãn trong các vườn), sữa ong chúa. Rồi cũng đi trên con đường bê tông men theo con mương nhỏ, qua các sạp hàng bày bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế biến từ dừa, du khách đến cơ sở làm kẹo dừa thủ công, tìm hiểu quy trình làm kẹo dừa qua các công đoạn: lột vỏ, bào cơm, cho vào máy ép, lấy nước cốt, trộn với mạch nha, sên kẹo, phối mùi và màu, cho kẹo lên khuôn rồi làm khô, cắt và đóng thành phẩm.
Con đường nhỏ thảm bê tông chạy quanh co giữa làng tiếp tục đưa tôi đến một điểm biểu diễn đờn ca tài tử: một nhóm khoảng 6-7 nghệ sĩ bán chuyên nghiệp, họ vừa là nhạc công vừa là ca sĩ, nam mặc áo dài chữ Thọ, nữ áo dài màu. Nhóm sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn kìm, đàn bầu, đàn cò, guitar phím lõm, song lan để biểu diễn. Du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi và dùng các loại trái cây Nam bộ như: thanh long, chôm chôm, nhãn, sầu riêng... vừa thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể phổ biến ở 21 tỉnh thành phía Nam.
Trở lại với chuyện du lịch của các buôn làng Tây Nguyên, tuy có thế mạnh về phong cảnh, lịch sử, văn hóa… song một vấn đề đặt ra là cần có tầm nhìn chiến lược để có hướng đầu tư, giữ đúng nét văn hóa bản địa trong quá trình khai thác tiềm năng. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, chúng ta cũng cần quan tâm đến những nét riêng tuy rất nhỏ nhưng ý nghĩa lớn trong văn hóa ăn mặc, ứng xử của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhằm mang lại cho du khách ấn tượng đẹp về mình. Chẳng hạn như nghệ nhân không thể mặc sơ mi, quần tây đánh cồng chiêng, chơi nhạc điện tử trong nhà rông... hoặc làm cơm lam, gà nướng trên bếp gas...
Có vậy chúng ta mới có thể góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” ở các buôn làng hội nhập với bên ngoài mà vẫn giữ được sắc thái riêng của mình. Chính lễ hội hoa dã qùy-núi lửa Chư Đăng Ya tổ chức vào thượng tuần tháng 11 sắp tới sẽ là một thể nghiệm.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.