Du lịch Gia Lai: Chọn Pleiku làm thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cùng với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã đến tham quan, khảo sát các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HỮU THỌ về các vấn đề xung quanh tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh nhà.

* P.V: Sau 4 ngày tham gia khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông có nhận xét như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh?
 

 

- Ông NGUYỄN HỮU THỌ: Trong 4 ngày qua, tôi đã cùng với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh đi khảo sát rất nhiều địa điểm có khả năng phát triển du lịch, như: Biển Hồ (gồm Biển Hồ nước, đường vành đai Biển Hồ, khu vực Biển Hồ cạn), thủy điện Ia Ly (huyện Chư Pah), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang), Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang), làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), thác Phú Cường (huyện Chư Sê), hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), Di tích lịch sử văn hóa Plei Ơi (huyện Phú Thiện), Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ),… Qua các địa điểm trên, tôi nhận thấy tỉnh Gia Lai rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch. Các bạn có rừng nguyên sinh, có khu bảo tồn thiên nhiên, có những thắng cảnh đẹp, nhiều hồ, thác,… đảm bảo cho phát triển du lịch sinh thái bền vững. Tỉnh nhà còn có nhiều địa danh gắn với lịch sử, các làng đồng bào bản địa với bản sắc văn hóa phong phú,… tất cả đều có thể phát triển, thu hút đông đảo du khách yêu thích khám phá, học hỏi.

* P.V: Nếu chọn một địa điểm làm điểm nhấn du lịch cho Gia Lai, ông sẽ chọn nơi nào? Vì sao?

- Ông NGUYỄN HỮU THỌ: Nếu để chọn một địa điểm làm thương hiệu cho du lịch Gia Lai thì đó chính là TP. Pleiku. Con người Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng rất thân thiện, mến khách, lại nhạy bén nên dễ dàng hội nhập để đưa du lịch phát triển. Đồng thời, Pleiku có khí hậu mát mẻ, dễ chịu, đúng như các chuyên gia người Pháp nhận định: Pleiku là thành phố vì sức khỏe. Khi chọn thương hiệu du lịch Pleiku thì Biển Hồ chính là điểm nhấn, nơi sẽ thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn. Ngoài ra, TP. Pleiku còn có các di tích lịch sử, các làng đồng bào bản địa với dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoang, kể sử thi... rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch văn hóa.

* P.V: Vậy những giải pháp nào để giúp ngành Du lịch Gia Lai vực dậy những tiềm năng sẵn có, đưa Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng trở thành một địa điểm thu hút, hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, thưa ông?

 

 Biển Hồ (TP. Pleiku).
Biển Hồ (TP. Pleiku).

- Ông NGUYỄN HỮU THỌ: Để ngành Du lịch đi lên, cần các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, lãnh đạo các ban, ngành phải thay đổi nhận thức làm du lịch. Đó là nhận thức việc phát triển du lịch gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, phải xác định du lịch cũng là một ngành kinh tế, đem lại lợi nhuận, làm giàu cho tỉnh nhà. Nhận thức ấy ngày càng thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng những hạng mục, công trình du lịch được đầu tư bài bản trên địa bàn.

Phát triển đường giao thông, nâng cấp cảng hàng không cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu để ngành Du lịch phát triển. Ngoài ra, tôi có một vài giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ngành du lịch Gia Lai như sau:

Thứ nhất, các điểm du lịch cần phải được đảm bảo công tác an ninh, an toàn, đảm bảo vệ sinh, môi trường xanh-sạch-đẹp.

Thứ hai, cần có sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Với hệ thống hồ, thác, suối, rừng phong phú, Gia Lai có rất nhiều tiềm năng để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng.

Thứ ba, việc quảng bá du lịch cần được chú trọng. Tích cực sử dụng công nghệ thông tin để truyền tải những hình ảnh, clip đẹp về vùng đất, danh thắng của địa phương để thu hút du khách thập phương, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, khai thác các tiềm năng du lịch của tỉnh nhà.

Cuối cùng, ngành Du lịch tỉnh cần liên kết với các trung tâm du lịch ở các tỉnh, thành lớn trên cả nước và cả nước ngoài như Campuchia, Lào, Thái Lan, hướng tới khai thác các tour du lịch đi Campuchia, Nam Lào, Thái Lan từ TP. Pleiku thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum).

Tiềm năng lớn cộng với việc phát triển đúng hướng, tôi tin rằng trong nay mai, ngành Du lịch Gia Lai sẽ khởi sắc.

* P.V:  Xin cảm ơn ông!

Phương Linh (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.