Du lịch cây nhà lá vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, một nhóm nông dân ở huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn dành hơn chục công đất ruộng trồng lúa để xây dựng thành điểm du lịch sinh thái với nhiều món ăn đậm chất miền Tây sông nước.

Tại đây, du khách sẽ gặp lại ký ức tuổi thơ của mình qua các món đặc sản như chuột đồng, chuột cống nhum, cá lóc đồng, trê đồng, lươn, ếch, gà vườn, lẩu cua đồng, lẩu mắm của Khu Du lịch sinh thái Hồ Sen. Nhóm nông dân này còn tạo ra khung cảnh hữu tình như cầu nổi giữa hồ sen, nhà sàn trên mặt hồ cùng nhiều tiểu cảnh khác để du khách chụp hình "check-in". Ngược về miền xuôi, du khách có thể tận tay đổ dớn, lợp, lờ bắt cá hoặc bơi xuồng hái củ ấu ven bờ sông Vàm Nao thuộc xã Tân Trung, huyện Phú Tân. Ngoài việc thưởng thức các món ăn dân dã, du khách còn tận hưởng không gian giữa cù lao gió lộng, ngắm sông Vàm Nao mênh mông sóng nước. Ông Hồ Quốc Tuấn (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đầu tư khu vườn hơn 10.000 m2 trồng sơ ri, xoài cát Hòa Lộc, mận, táo và mai kiểng để phục vụ khách du lịch. Để tạo thêm điểm nhấn trong khu du lịch kiểu "cây nhà lá vườn", ông Tuấn còn xây thêm những dãy nhà sàn trên hồ nuôi cá để du khách vừa nghỉ mát vừa thưởng thức những món ăn đồng quê, nhất là món gà nướng đất sét, hến xúc bánh đa, cá lóc nướng, tai tượng chiên xù, ốc lác hấp tiêu. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức món rượu độc đáo làm từ sơ ri chín mọng tại vườn.

 

Khung cảnh ở Khu Du lịch sinh thái Hồ Sen khiến nhiều du khách cảm thấy ký ức tuổi thơ ùa về
Khung cảnh ở Khu Du lịch sinh thái Hồ Sen khiến nhiều du khách cảm thấy ký ức tuổi thơ ùa về


Nói về kiểu làm du lịch này, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho rằng phần lớn các mô hình đều được cải tạo hoặc xây dựng tự phát trên cơ sở hiện có, nguồn nhân lực chủ yếu tận dụng các thành viên gia đình nên khả năng còn hạn chế, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng du lịch. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, việc phát triển các mô hình này thể hiện nhiều điểm tích cực như phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên tại chỗ, có quỹ đất sạch, thời gian đầu tư thấp, hiệu quả sinh lợi nhanh, tác động trực tiếp đến việc hình thành và phát triển sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Hiệp khẳng định trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định, tiêu chuẩn của ngành về sản phẩm dịch vụ du lịch cho các địa phương, đặc biệt là các địa bàn du lịch trọng điểm để chính quyền địa phương thông tin định hướng cho cơ sở khai thác đầu tư du lịch, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cải thiện hình ảnh du lịch An Giang.

 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

 

 

Bài và ảnh: Thốt Nốt
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.