Dự kiến đầu tháng 8/2020 có thể mở lại chuyến bay thương mại quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự kiến đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam đến các khu vực ưu tiên.

Hành khách đã bắt đầu quay trở lại chọn hàng không làm phương tiện đi lại sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Phan Công/Vietnam+)
Hành khách đã bắt đầu quay trở lại chọn hàng không làm phương tiện đi lại sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Phan Công/Vietnam+
Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia) với tấn suất 1 chuyến/tuần/điểm đến.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500-3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam sẽ chở từ 1.000-1.500 hành khách).
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia kế hoạch vận chuyển giữa Việt Nam với các nước, dự kiến đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.
Về điều kiện đối với hành khách khi thực hiện các chuyến bay này phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in); hành khách nhập cảnh Việt Nam thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch khi nhập cảnh.
Nhằm phù hợp với điều kiện địa lý, phân bố khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (Thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất địa điểm tiếp nhận các chuyến bay trong giai đoạn đầu đó là Quảng Châu (Trung Quốc)-Đà Nẵng; Tokyo (Nhật Bản)-Hà Nội; Seoul (Hàn Quốc)-Hà Nội; Đài Bắc-Đài Loan (Trung Quốc)-Thành phố Hồ Chí Minh; Vientiane (Lào)-Quảng Ninh; Phnom Penh (Campuchia)-Cần Thơ.
Trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không khai thác với tần suất chỉ 1 chuyến/tuần/điểm đến nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng.
Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác.
Trên cơ sở này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao hỗ trợ làm việc với cơ quan chức năng của các nước để tạo thuận lợi cấp phép cho các chuyến bay và đảm bảo đúng đối tượng vận chuyến.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành Bộ hướng dẫn kiểm dịch y tế đối với hành khách nhập cảnh Việt Nam áp dụng và phục vụ quá trình đàm phán với các đối tác về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với chuyến bay và Bộ hướng dẫn kiểm dịch đối với nhân viên hàng không.
Bộ Quốc phòng đảm bảo cơ sở cách ly cho hành khách trên các chuyến bay thường lệ đến Việt Nam theo lịch bay, danh sách hành khách do hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh cấp.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Quảng Ninh triển khai quy trình tiếp nhận hành khách người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh các Cảng hàng không quốc tế trên địa bàn (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Vân Đồn).
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không tổ chức các chuyến bay thường lệ đến các khu vực nêu trên sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay phần lớn các quốc gia/vùng lãnh thổ đang duy trì việc kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng hàng không theo các nguyên tắc chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân của mình; người nước ngoài có thẻ cư trú, một số đối tượng đặc biệt (thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên...) được phép nhập cảnh khi được nhà chức trách phê duyệt.
Các đối tượng trên nếu nhập cảnh phải cách ly 14 ngày tại gia đình (đăng ký với chính quyền) hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí); việc tự cách ly tại gia được chính quyền áp dụng chặt chẽ bằng biện pháp công nghệ để kiểm soát đối tượng.
Đặc biệt, một số quốc gia khôi phục từng bước các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách với hạn chế nhất định về đối tác kết nối, tần suất khai thác; tuy nhiên, một số nước phải tái đóng cửa sau giai đoạn mở cửa và bị lây nhiễm mạnh trở lại trong cộng đồng như Australia, Hy Lạp...
Việt Hùng (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất