Đời voi, đời người: Gian nan chữa vô sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau gần 30 năm không sinh sản, 3 cá thể voi nhà ở huyện Lắk (Đắk Lắk) lần lượt mang thai nhờ sự nỗ lực, hỗ trợ của các chuyên gia và sự đồng tình hưởng ứng của chủ voi. Tuy nhiên, niềm hy vọng về một thế hệ voi mới ra đời đã không trọn vẹn…
Hồi hộp chờ voi đẻ
Hơn 2 năm qua, anh Y Jư Uông (ở buôn Cuôr, xã Yang Tao, huyện Lắk) vẫn chưa quên ngày buồn của gia đình khi voi cái Bắc On (40 tuổi) sinh con không thành. “Làm sao quên được hình ảnh voi con có 2 chiếc ngà mới nhú ra nằm bất động dưới đất, còn voi mẹ gầm khóc khi biết con đã chết. May có voi bảo mẫu động viên. Vài tháng sau, voi mẹ Bắc On mới nguôi ngoai nỗi đau mất con”, anh Y Jư nhớ lại.

Các chuyên gia siêu âm đánh giá tình trạng voi con. Ảnh: P.Thịnh
Các chuyên gia siêu âm đánh giá tình trạng voi con. Ảnh: P.Thịnh
Bắc On là con voi cuối cùng mang thai và sinh con trong chương trình “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng (Elephas maximus) tại tỉnh Đắk Lắk” từ năm 2017-2020. Trước đó, 2 con voi cái khác đã sinh nhưng voi con đều chết ngạt. Do đó, cả chủ voi và những người làm công tác bảo tồn đặt hết niềm hy vọng cuối cùng vào Bắc On. Phía chủ voi cắt cử 4-5 người/nhóm thay phiên nhau ăn ngủ trong rừng theo dõi sức khỏe Bắc On. Còn Trung tâm Bảo tồn voi thành lập tổ bác sĩ thú y, có sự tham gia của ông Willem (bác sĩ Thú y cao cấp ở Hà Lan). Vị chuyên gia này dùng thiết bị, máy siêu âm hỗ trợ can thiệp cho voi Bắc On sinh sản.
Từ ngày 27/1/2020, tổ thú y đã túc trực 24/24 giờ thực hiện xét nghiệm nội tiết tố (hormone), siêu âm, truyền dịch hỗ trợ voi Bắc On chuyển dạ. Đến trưa 2/2 năm đó, qua hình ảnh siêu âm, tổ thú y thấy voi con ra ngoài khung xương chậu nhưng sau đó lại thụt vào. Các thành viên trong tổ thú y tiến hành xoa bóp giúp tử cung tăng co bóp, đồng thời kéo voi con ra ngoài. Tuy nhiên, voi con đã bị chết dù các thành viên trong tổ tiến hành hô hấp nhân tạo. Mọi nỗ lực, hy vọng cứu voi con đã thất bại.
“Voi Bắc On là thành viên đặc biệt của gia đình. Lúc biết voi mang thai, tôi vui lắm, hồi hộp chờ suốt 2 năm đến ngày voi đẻ. Vậy mà…!” Y Jư thở dài. Sau khi voi con chết, chủ voi tổ chức an táng theo phong tục truyền thống. Xác voi được đặt trên một tấm vải thổ cẩm và cũng được xây mộ, dựng bia, chôn gần mồ mả ông bà trong gia đình.
Gia đình anh Y Yoni Bhôk (xã Yang Tao, huyện Lắk) cũng mang nỗi buồn khi voi Bặc Khăm không được mẹ tròn con vuông. “Sáng 31/1/2019, tôi đi chặt cỏ cho voi thì nhận tin Bặc Khăm có dấu hiệu chuyển dạ. Tôi tức tốc chạy về, Bặc Khăm cùng voi bảo mẫu dẫn nhau vào bụi rậm. Ông bà tôi dặn, lúc voi đẻ, nó không muốn ai nhìn thấy. Tôi hồi hộp đứng xa quan sát tầm khoảng 20 phút thì nghe Bặc Khăm gầm lên. Chúng tôi chạy vào đã thấy voi mẹ dùng chân đạp nhưng voi con không cử động. Nhìn voi mẹ gầm khóc, nước mắt giàn giụa, tôi buồn lắm”, Y Yoni nhớ lại.
Tìm bạn tình cho voi
Việc 3 cá thể voi nhà mang thai nhưng sinh con ra đều bị chết ngạt đã đặt dấu hỏi lớn về năng lực của Trung tâm bảo tồn Voi. Đại diện trung tâm cho hay, việc cho voi nhà mang thai và sinh con đã là thành công bước đầu, bởi trước đó voi nhà ở tuổi sinh sản nhưng chưa một lần sinh con. Quá trình hỗ trợ cho voi ghép đôi, mang thai và sinh con đã giúp trung tâm hoàn thiện quy trình sinh sản, mở ra hy vọng bảo tồn voi nhà.
Thời gian thực hiện đề tài hỗ trợ voi nhà sinh sản đã kết thúc cách đây gần 2 năm nhưng đến nay, Đắk Lắk vẫn chưa có chương trình tương tự kế tiếp. Ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi khẳng định, việc cho voi ghép đôi sinh sản sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Kinh phí hỗ trợ voi nhà sinh sản trong Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh Đắk Lắk được thông qua vào tháng 12/2021. Nghị quyết 11 đã bổ sung, sửa đổi một số quy định trong Nghị quyết 78/2012 về công tác bảo tồn voi. Cụ thể, trong quá trình voi gặp gỡ, động dục, chủ voi cái được hỗ trợ 500.000 đồng/ngày, chủ voi đực 600.000 đồng/ngày, nài voi 200.000 đồng/ngày trong vòng 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực. Quá trình voi mang thai, sinh sản, chủ voi sẽ nhận trên 400 triệu đồng…
Trung tâm Bảo tồn Voi cho biết, đang hoàn tất phương án báo cáo để xin chủ trương thực hiện. Trong lúc chờ các chương trình hành động, hỗ trợ của chính quyền, một số chủ voi vẫn duy trì việc lấy mẫu máu xét nghiệm hormone sinh sản, canh thời gian rụng trứng để tiến hành ghép đôi cho voi. Anh Y Thăn Bdap (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) - nài voi Ban Nang (con voi sinh con đầu tiên trong chương trình Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tỉnh Đắk Lắk vào năm 2017) cho biết, vẫn nuôi hy vọng Ban Nang lại mang thai. Cứ đến tháng 12 hằng năm, anh lại cho voi vào rừng tìm bạn tình. Tuy nhiên, gia đình anh không đủ điều kiện thuê voi đực cả tháng để ghép đôi khi voi cái đến “mùa yêu”.
“Nhiều năm về trước, các chủ voi ở huyện Lắk đã kiến nghị chính quyền quy hoạch khu chăn thả cho đàn voi khi nhận thấy môi trường sinh sống của chúng ngày càng bị thu hẹp. Voi cũng cần có không gian riêng để tìm hiểu, ghép bạn và một khu chăn thả đủ rộng là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên kiến nghị trên của chủ voi đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Nếu không hành động nhanh, cơ hội sinh sản của đàn voi nhà sẽ không còn” Nài voi Y Vinh nói
Hỗ trợ đẩy voi con ra ngoài Ảnh: P.Thịnh
Hỗ trợ đẩy voi con ra ngoài. Ảnh: P.Thịnh
“Tôi sốt ruột lắm. Càng qua ngày, voi cái càng già đi cũng đồng nghĩa cơ hội mang thai giảm dần. Nếu chính quyền không quyết liệt hành động, hỗ trợ thì bao nhiêu nỗ lực cho voi sinh sản trước đó đều bỏ hết. Gia đình tôi luôn sẵn sàng để voi Ban Nang tiếp tục ghép đôi, tìm kiếm cơ hội sinh sản”, anh Y Thăn trải lòng.
Nài voi Y Vinh Êung (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) cho hay, gia đình có truyền thống nuôi voi lâu đời. Bản thân luôn xem voi là “thành viên” trong gia đình nên rất mong muốn làm việc gì đó hỗ trợ bảo tồn đàn voi nhà. Trước đó, chứng kiến 1 nữ thực tập sinh người ngoại quốc ở bên kia bán cầu lặn lội đến buôn làng hỗ trợ chăm sóc voi khiến anh cảm kích. Từ đấy, anh tình nguyện nhận nhiệm vụ lấy mẫu máu của các con voi cái trong vùng cho Trung tâm Bảo tồn Voi thực hiện xét nghiệm hormone, xác định thời gian rụng trứng để ghép đôi sinh sản; vận động các chủ voi tham gia chương trình cho voi nhà sinh sản.
(Còn nữa)
Theo HUỲNH THỦY (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null