Ở chiều ngược lại, thông qua tiếp xúc, đối thoại với các cấp lãnh đạo, người dân có cơ hội được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như nêu ý kiến, kiến nghị về những vấn đề liên quan đến quyền lợi sát sườn của cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
Theo số liệu của Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 64 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân. Trong đó, cấp tỉnh đã tổ chức 2 cuộc đối thoại; 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch đối thoại, trong đó có 10 huyện, thị xã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân (Đak Pơ, Ia Grai, Ayun Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, Kbang, Đức Cơ, Chư Păh, Krông Pa, Kông Chro). Đến nay, tất cả 220 xã, phường, thị trấn đã ban hành kế hoạch đối thoại năm 2023, trong đó có 38 đơn vị đã tổ chức 52 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân.
Nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Đặc biệt, tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực HĐND tỉnh với cán bộ, viên chức và nhân viên ngành Y tế khu vực công trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến đời sống cán bộ, viên chức cũng như những khó khăn, bất cập trong lĩnh vực y tế đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ và đề xuất giải pháp khắc phục. Mặc dù những khó khăn, vướng mắc, bất cập của ngành Y tế đến nay vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo, song tỉnh cũng đã có những giải pháp cụ thể, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm giải quyết trong thời gian tới.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dân vận và Quy chế dân chủ cơ sở 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra vào sáng 28-6, nhiều đại biểu cho rằng hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân đã mang lại hiệu quả bước đầu. Qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề ở địa phương, cơ sở, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Cùng với đó, hoạt động tiếp xúc, đối thoại cũng góp phần hạn chế, giảm thiểu những vấn đề bức xúc nảy sinh trong đời sống xã hội.
Tuy vậy, cũng tại diễn đàn này, một số đại biểu đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục về nội dung và phương thức tiếp xúc, đối thoại trong thời gian qua. Theo đó, tại một số nơi, hoạt động tiếp xúc, đối thoại còn mang tính hình thức nên ít người tham gia cũng như thiếu các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết. Tại một số cuộc tiếp xúc, đối thoại, phần trả lời, giải đáp thắc mắc của người chủ trì và các ban ngành liên quan vẫn còn chung chung, thiếu thuyết phục. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các kết luận của người đứng đầu tại các buổi tiếp xúc, đối thoại vẫn chưa đến nơi đến chốn, thậm chí bị lãng quên. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào lời hứa của đại diện cấp ủy và chính quyền các cấp. Có ý kiến cho rằng: Do công tác dân vận và việc tiếp xúc, đối thoại với người dân còn hạn chế nên xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Để hoạt động tiếp xúc, đối thoại ngày càng thực chất và mang lại hiệu quả, thiết nghĩ, cấp ủy và chính quyền các cấp cần tuân thủ Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và Quyết định số 553-QĐ/TU ngày 14-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với mở rộng tiếp xúc, đối thoại, cấp ủy và chính quyền các địa phương cần chỉ đạo xử lý dứt điểm những phản ánh, kiến nghị của người dân.