(GLO)- Chương trình “Đổi sách lấy cây” diễn ra trên địa bàn TP. Pleiku trong 3 ngày cuối tuần vừa qua đã thu hút hàng ngàn người dân, học sinh, sinh viên tham gia. Việc đổi sách báo cũ lấy những phần quà thân thiện với môi trường đã góp phần lan tỏa thói quen sống xanh, làm những điều thiết thực, hữu ích từ những thứ nhỏ nhặt.
Nói không với rác thải nhựa
Chương trình “Đổi sách lấy cây” do nhóm từ thiện Fly to Sky phối hợp với Điểm đọc sách miễn phí Gia Lai tổ chức tại 5 địa điểm trên địa bàn TP. Pleiku với thông điệp ý nghĩa: “Một quyển sách, một tương lai”. Với 3 kg sách báo cũ hoặc 10 cuốn vở mới, bạn sẽ đổi được 1 cây sen đá hoặc 5 ống hút bằng gạo để bảo vệ môi trường. Anh Lê Văn Phúc-Trưởng nhóm từ thiện Fly to Sky-cho biết: “Chương trình chuẩn bị 300 cây sen đá cho 5 điểm đổi. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên, chương trình đã đổi hết 2/3 số cây đã chuẩn bị. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức nên không tính trước sẽ đổi được bao nhiêu cây xanh. Rất may chúng tôi đã đặt dự phòng nên không bị lúng túng do thiếu cây. Tổng kết trong 3 ngày tổ chức, chương trình đã đổi 450 cây xanh và 500 ống hút gạo lấy hơn 3 tấn sách báo các loại”.
Chương trình đã thành công bước đầu trong việc kêu gọi mọi người trồng thêm nhiều cây xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp “Zerowaste”-”Nói không với rác thải nhựa” và sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. “Khi biết mục đích của chương trình “Đổi sách lấy cây”, chủ vườn nơi chúng tôi đặt cây xanh đã tặng thêm cho chương trình 50 cây sen đá. Hy vọng hành trình bảo vệ môi trường này sẽ lan rộng, tác động đến ý thức của từng người để cả cộng đồng cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh, không rác thải nhựa”-anh Phúc chia sẻ thêm.
Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình “Đổi sách lấy cây”. Ảnh: M.C |
Mang toàn bộ sách giáo khoa, giấy nháp, vở viết của các năm học trước đến điểm đổi cây tại Khách sạn Sê San, em Võ Lê Huy-học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) thích thú khi đổi được 3 cây sen đá xinh xắn. Huy chia sẻ, em rất thích trồng cây nhưng chỉ trồng ở nhà. Bản thân em chưa tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường nào. “Em thấy chương trình này rất ý nghĩa khi vừa góp sách ủng hộ cho học sinh nghèo, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường. Em cũng sẽ tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, để từ những việc làm nhỏ có thể lan tỏa thành phong trào lớn hơn”-Huy bày tỏ.
Nhiều học sinh lại chọn đổi sách cũ lấy ống hút bằng gạo với lý do rất thực tế: Thay thế những ống hút nhựa khi đi uống trà sữa. Như vậy, việc hạn chế rác thải nhựa đã được nhiều người ý thức ngay từ chuyện ăn uống hàng ngày. Đây cũng là mục đích mà chương trình hướng tới để dần hình thành, nhân rộng lối sống thân thiện với môi trường.
Chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo
Theo Trưởng nhóm từ thiện Fly to Sky, hơn 3 tấn sách, giấy, báo cũ đổi được là con số “biết nói” cho thấy sức lan tỏa và sự hưởng ứng của mọi người trong việc bảo vệ môi trường và giúp đỡ trẻ em nghèo. Chương trình tiếp tục được tổ chức vào 3 ngày cuối tuần của các tuần tiếp theo trong tháng 6. “Sau đó, chúng tôi tiến hành tổng kết, phân từng loại cụ thể. Sách tham khảo, truyện đọc sẽ được kiểm tra nội dung trước khi đưa về các điểm trường còn khó khăn để xây dựng những “Thư viện mi ni”. Còn giấy báo cũ sẽ được bán tại chỗ để có thêm kinh phí mua sách, vở mới. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều sự ủng hộ của người dân để có thêm thật nhiều sách, vở chia sẻ với học sinh nghèo các vùng khó khăn trước thềm năm học mới”-anh Phúc thông tin.
Ông Võ Bá Thành (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho biết, ông rất cảm động trước tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, sống có trách nhiệm với môi trường của các bạn trẻ. “Tôi thấy các cháu khá vất vả từ sáng sớm. Sau chương trình này lại là hành trình đưa sách, vở về vùng sâu, vùng xa, đó chính là một tấm lòng với cuộc sống của các bạn trẻ. Tôi đã kêu gọi con cái, họ hàng, bạn bè đem sách vở đến để ủng hộ chương trình”-ông Thành tâm sự.
MINH CHÂU