Độc đáo những chiếc gùi đan bằng dây cước của Rơ Mah Ngum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với óc sáng tạo cùng đôi tay khéo léo, ông Rơ Mah Ngum (làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã tạo ra những chiếc gùi từ dây cước rất độc đáo và đẹp mắt.

Đến làng Châm, hỏi về người đan gùi giỏi của làng, bà con đều chỉ đến nhà ông Rơ Mah Ngum. Dù đã ở tuổi 63 nhưng ông Ngum không ngừng sáng tạo để làm phong phú cho các sản phẩm đan lát của mình. Lúc chúng tôi đến nhà, ông Ngum đang chăm chút tạo hoa văn trên vành miệng của chiếc gùi.

Ông Rơ Mah Ngum đang hoàn thiện một chiếc gùi đan bằng dây cước. Ảnh: V.T

Ông Rơ Mah Ngum đang hoàn thiện một chiếc gùi đan bằng dây cước. Ảnh: V.T

Ông Ngum chia sẻ: “Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn thấy những người đàn ông trong làng đan gùi, tôi luôn ao ước lớn lên mình cũng đan được như vậy. Hình ảnh đó in sâu vào tâm trí, nên khi lớn lên, tôi đã học đan lát và gắn bó với nghề đan gùi cho tới tận bây giờ.

Ban đầu, tôi làm gùi khá đơn giản, chỉ đan thông thường, không tạo điểm nhấn là những đường nét hoa văn sắc sảo như các nghệ nhân trong làng. Và, việc đan gùi cũng không hề dễ dàng. Thân gùi đẹp, nhưng khi đến phần chân đế là tôi phải mất thời gian làm đi làm lại sao cho thật vừa vặn và cứng cáp. Cứ miệt mài như vậy cho đến khi đôi tay trở nên khéo léo hơn thì tôi được người trong làng chỉ dẫn cách phối hoa văn.

Qua thời gian, càng đan càng nhuần nhuyễn, tôi bắt đầu tạo thêm những đường nét hoa văn khó hơn. Thấy những sản phẩm do tôi làm ra ngày càng bền đẹp, bà con trong làng, trong xã đến đặt mua nhiều hơn”.

Cũng theo ông Ngum, không chỉ đan gùi theo lối truyền thống với nguyên liệu từ tre, nứa, ông còn dành thời gian tìm hiểu việc đan gùi bằng dây cước. Ông Ngum kể: Cách đây hơn 1 năm, tình cờ ông gặp một người ở nơi khác mang những chiếc gùi được đan bằng sợi cước đến làng chào bán. Thấy sản phẩm lạ và đẹp mắt bởi màu sắc đa dạng và mối đan trông chắc chắn hơn gùi truyền thống nên ông đã quan sát và tìm mua vật liệu về để mày mò làm theo.

Sau một thời gian, với đôi tay khéo léo, ông đã làm được những chiếc gùi bằng dây cước đủ màu sắc để người mua dễ chọn theo sở thích và nhu cầu sử dụng phù hợp.

Kỹ thuật đan gùi bằng dây cước đòi hỏi đôi tay phải khéo léo hơn cách đan bằng tre nứa. Ảnh: V.T

Kỹ thuật đan gùi bằng dây cước đòi hỏi đôi tay phải khéo léo hơn cách đan bằng tre nứa. Ảnh: V.T

“Vì không còn phải dành thời gian cho việc chẻ và vót nan tre nên giờ đây, đan gùi bằng cước đã nhanh hơn rất nhiều. Để có 1 chiếc gùi hoàn chỉnh, tôi phải chuẩn bị vật liệu rất kỹ càng, như chọn lồ ô vót tạo thành khung gùi mới tiến hành đan bằng cước từ đáy để tạo độ tròn đều. Khó nhất là công đoạn làm đế cho bằng phẳng và khít với thân gùi.

Tiếp theo là trang trí bằng cách đưa họa tiết vào chiếc gùi để tạo điểm nhấn từ những hình ảnh của trống đồng, chim chơ rao, điểm xuyết vài hình khối ở vành gùi và dưới chân đế nhằm tạo sức hút cho sản phẩm”-ông Ngum tâm sự.

Với tay nghề thành thạo, chỉ trong vòng 1 ngày, ông có thể tạo ra được 1 chiếc gùi hoàn chỉnh, đủ loại như: gùi không nắp, gùi có nắp, gùi trơn, gùi có hoa văn, màu sắc khác nhau…

Bởi theo ông Ngum, chiếc gùi không chỉ là vật dùng để đựng cơm nước, đồ đạc khi lên rẫy, mà nó còn thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Jrai; là sản phẩm mà du khách khi đến Gia Lai thường chọn làm quà tặng bạn bè, người thân.

Hiện mỗi chiếc gùi làm bằng dây cước của ông được bán với giá 250-500 ngàn đồng, tùy kích cỡ và hoa văn.

Trao đổi với P.V, ông Ngô Tiến Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Grăng-cho biết: “Sản phẩm gùi đan bằng dây cước của ông Rơ Mah Ngum được người dân đánh giá cao, rất đẹp lại độc đáo. Vì vậy, các dịp như phiên chợ, hội chợ, xã đều vận động, hỗ trợ ông đưa sản phẩm đi tham gia trưng bày, giới thiệu để mọi người biết đến và đặt mua.

Thời gian tới, chúng tôi dự kiến ra mắt câu lạc bộ đan lát của xã nhằm duy trì và phát huy nghề truyền thống của đồng bào Jrai; từ đó nâng tầm, quảng bá sản phẩm của địa phương, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con lúc nông nhàn”.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai ban hành cơ chế, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi

Gia Lai ban hành cơ chế, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 1881/UBND-KGVX ngày 5-8-2024 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31-7-2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.