(GLO)- Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài một số doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12% DN thuộc loại nhỏ và có đến 79% là DN thuộc loại siêu nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế…
Duy trì đà tăng trưởng
Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 3.450 DN đăng ký với tổng vốn gần 18.000 tỷ đồng (bình quân 5,2 tỷ đồng/DN), trong đó có hơn 3.100 DN đang hoạt động. Năm qua, nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều DN lấy lại sự ổn định trong hoạt động sản xuất-kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế. Nhiều DN tạm ngưng hoạt động từ những năm trước cũng đã hoạt động trở lại. Hiện có khoảng 2.250 DN sản xuất-kinh doanh có lãi (chiếm tỷ lệ 73,5%/tổng số DN đang hoạt động), tăng 10% so với năm 2014.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của DN trên địa bàn, ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thời gian qua, cộng đồng DN đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng sản phẩm năm 2015 (theo giá so sánh năm 1994) đạt 12.227 tỷ đồng (tăng 12,98%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 40,04%, công nghiệp-xây dựng chiếm 26,77%, dịch vụ chiếm 33,19%. Trong năm qua, các DN đã có đóng góp tăng thu cho ngân sách nhà nước, cụ thể thu từ khu vực này đạt 1.671 tỷ đồng, chiếm hơn 51%/tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đồng thời đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 70.000 lao động. Cộng đồng DN phát triển cũng đã có nhiều đóng góp vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Doanh nghiệp cần gì?
Ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai cho rằng: Hiện nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị sụt giảm. Khi hội nhập kinh tế, những DN trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ dễ bị tổn thương do kỹ năng lãnh đạo, điều hành của DN còn hạn chế, cần thiết phải có sự liên kết những hiệp hội lại với nhau để đào tạo một số kỹ năng cho DN. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để những DN nhỏ “định vị” được bản thân mình, để từ những DN nhỏ họ có thể phát triển lớn mạnh hơn.
Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của DN qua những chương trình cụ thể. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư được hỗ trợ tích cực từ phía ngành Ngân hàng qua việc triển khai nhiều gói hỗ trợ lãi suất thấp, cơ cấu lại thời hạn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất đã làm động lực kích thích nền kinh tế phát triển. Cái khó lớn nhất đã dần được tháo gỡ, vậy thì khả năng hấp thụ vốn mới là vấn đề quan trọng. Dự báo năm nay sẽ tiếp tục là năm khó khăn, thách thức đối với cộng đồng DN khi hội nhập, vì vậy rất cần sự hỗ trợ tích cực và thiết thực từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đánh giá của nhiều DN, công tác cải cách thủ tục hành chính có sự cải tiến rõ rệt, tuy nhiên môi trường kinh doanh chưa thật sự thông thoáng. Các cơ quan nhà nước chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý, chưa thật quan tâm chia sẻ và đồng hành với DN. Ông Bùi Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai chia sẻ: Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang là nhà đầu tư hàng đầu của tỉnh với số vốn 3.500 tỷ đồng. Thời gian qua, tỉnh đã tạo mọi điều kiện để DN phát triển, tuy nhiên cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc nhất định cần tháo gỡ trong mối quan hệ giữa sở, ban ngành và DN.
Xác định DN là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian tới, cùng với sự phát huy nội tại của chính DN, tỉnh cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng giữa các DN; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các ngành nghề tạo sản phẩm mũi nhọn, các sản phẩm thu hút nhiều lao động; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chú trọng nghiên cứu các giải pháp nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường và tham gia xuất khẩu nông-lâm sản. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn, trong đó chú trọng việc tập huấn về khởi sự DN, giới thiệu kiến thức cho DN khi tham gia Hiệp định TPP, khu vực tự do ASEAN, cộng đồng kinh tế ASEAN; hình thành quỹ trợ giúp DN, có chính sách đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ, đào tạo lao động nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của các DN…
Thảo Nguyên