(GLO)- Pleiku là đô thị nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên được thành lập ngày 3-12-1929. Đến năm 1999, TP. Pleiku được thành lập theo Nghị định số 29/1999/NĐ-CP ngày 24-4-1999 của Chính phủ.
Thành phố Pleiku được biết đến là một thành phố trẻ và năng động với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội, có tổng diện tích tự nhiên hơn 26 ngàn ha với trên 22 vạn dân và 23 đơn vị hành chính xã, phường; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh Gia Lai, nằm trên trục giao thông nối liền quốc lộ 14 và quốc lộ 19 và trong vùng tam giác tăng trưởng các tỉnh lân cận, cũng như các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đại bộ phận nhân dân sản xuất tự cung, tự cấp, cơ sở vật chất hầu như không có gì, giao thông chỉ có một số tuyến đường chính nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đến tháng 4-1975, thị xã Pleiku lúc bấy giờ có 75.000 dân, có 4 xã ven thị trên 10.000 dân là vùng sản xuất nông nghiệp, các phường nội thị có 65.000 dân hầu hết là gia đình những người buôn bán, làm thuê, sống dựa vào tiền lương và lợi tức buôn bán, thu nhập thấp; cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp rất nhỏ bé. Thị xã chỉ có 1 nhà máy điện, 1 nhà máy nước, một số cơ sở cưa xẻ gỗ, một số gara sửa chữa ô tô, xe máy. Toàn thị xã chỉ có 2.000 công nhân và thợ thủ công. Diện tích gieo trồng vụ mùa 1975 chỉ có 3.000 ha.
Trải qua 85 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã tập trung khai thác lợi thế, ra sức phát huy các nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từng bước đáp ứng các tiêu chí của đô thị văn minh hiện đại, đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng ngày càng cao với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gần 15%. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 1999 là 5,45 triệu đồng, đến năm 2013 GDP bình quân đầu người ước đạt 44,03 triệu đồng. Đến năm 2013, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 41,97%, thương mại-dịch vụ chiếm 53,61%, nông nghiệp chiếm 4,42%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm tăng bình quân trên 20%, trong đó phần thành phố thu hàng năm tăng bình quân 25%. Nếu năm 2000 phần thành phố thu đạt 75 tỷ đồng thì đến năm 2014 ước đạt 550 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng phát triển của thành phố là “Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp”. Cơ sở hạ tầng nông thôn luôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới. Đến nay, thành phố có 100% đường nhựa đến tận từng thôn, làng; 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư mở rộng... Công tác chỉnh trang đô thị ngày càng được quan tâm, đến nay, tổng chiều dài các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa trên địa bàn thành phố đạt 662 km/840 km (trong đó 100% đường chính khu trung tâm được đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ); có 113,89 km đường được xây dựng hệ thống thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư mới trên các tuyến đường với hơn 8.039 bộ đèn chiếu sáng, chiều dài chiếu sáng là trên 403 km; trên 72.000 m2 vỉa hè lát gạch block, trên 200.000 m2 vỉa hè bê tông xi măng, 13.200 m2 vỉa hè đá bazan. Cây xanh đường phố được trồng trên 90 tuyến đường nội thành với trên 15.039 cây xanh góp phần làm cho bộ mặt thành phố thêm sáng, xanh, sạch, đẹp.
Bộ mặt của thành phố được đổi mới hơn khi Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11-8-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa X) triển khai thực hiện. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố đã triển khai đầu tư 35 tuyến đường trên địa bàn 11 phường tổng số 1.415 hộ hiến đất mở đường với tổng diện tích 17.212 m2; 1.023 hộ di dời hàng rào, vật kiến trúc diện tích 11.563 m2; 197 hộ giải tỏa nhà diện tích 2.888 m2; giải tỏa 190 trụ điện, 5.754 mét cáp quang, 6 hố cáp quang, 9.203 mét ống nước, 85 cây xanh, làm mới hơn 4.000 bóng đèn chiếu sáng với độ dài chiếu sáng hơn 271,34 km.
Các công trình hiện đại được xây dựng như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, quốc lộ 14, quốc lộ 19 đoạn qua TP. Pleiku, Khách sạn Hoàng Anh, Siêu thị Co.op Mart, Chung cư Hoàng Anh, trụ sở Tập đoàn Hoàng Anh, cao ốc Đức Long, Bệnh viện Quân y 211, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh-Hoàng Anh Gia Lai, Sân vận động Pleiku, khu vui chơi giải trí Đồng Xanh, hồ Diên Hồng, Về Nguồn, làng văn hóa du lịch Plei Ốp... góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Pleiku. Thành phố tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho công tác kêu gọi thu hút đầu tư, hợp tác đầu tư từ bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững.
Thành phố Pleiku được Chính phủ công nhận đô thị loại II (năm 2009). Với những kết quả đạt được, TP. Pleiku đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng nhì, ba, Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và nhiều giấy khen, bằng khen của các bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai. Năm 2013, nhân dân và cán bộ TP. Pleiku đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất. |
Đến nay, thành phố không còn hộ đói, số hộ nghèo còn 306 hộ, chiếm tỷ lệ 0,61% (theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015). Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm đúng mức, các chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Cùng với đó, công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được chú trọng; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, y tế dự phòng được triển khai thường xuyên. Đội ngũ y-bác sĩ phát triển về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Đến nay, Trung tâm Y tế thành phố có quy mô 100 giường bệnh với trang-thiết bị hiện đại phục vụ tốt công tác khám-chữa bệnh cho nhân dân; mạng lưới trạm y tế xã, phường được xây dựng theo hướng đạt chuẩn, đến nay có 22/23 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực. Công tác xã hội hóa giáo dục chuyển biến tích cực và dần đi vào chiều sâu. Cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học của các trường được đầu tư từng bước hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập. Hiện nay, thành phố có 79 trường với 51.582 học sinh, 3.123 cán bộ, giáo viên và nhân viên, 25 trường đạt chuẩn quốc gia, năm 2000 hoàn thành phổ cập THCS. Năm 2008, Pleiku hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh không ngừng được nâng lên. Sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục thể thao và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nhiều tiến bộ. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được quan tâm xây dựng, công tác chăm lo bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được chú trọng, nhất là việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị-trật tự xã hội làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được người dân tham gia nhiệt tình, đã khơi dậy được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tạo thế trận an ninh, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhân dân trong từng khu phố từng thôn, làng, tổ dân phố.
Trải qua 85 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã tập trung khai thác lợi thế, ra sức phát huy các nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từng bước đáp ứng các tiêu chí của đô thị văn minh hiện đại, đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển bền vững. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 44,03 triệu đồng.
Trần Xuân Quang
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku