Diễn đàn đã thu hút hơn 70 đại biểu là các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, cán bộ quản lý Trung ương và của các địa phương có biển ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên dự và phát biểu tại phiên khai mạc.
Quang cảnh diễn đàn. |
Việt Nam đã tham gia tích cực cam kết này bằng các hành động cụ thể như tăng cường thể chế, chính sách quản lý biển và vùng bờ; cải thiện tài nguyên và môi trường biển; ứng phó thiên tai và các sự cố môi trường trên biển, cải thiện kế sinh nhai cho người dân ven biển...
Riêng việc quản lý tổng hợp vùng bờ tại Việt Nam đang được triển khai trên 20% tổng chiều dài đường bờ biển, với 14 tỉnh ven biển đã xây dựng chiến lược và triển khai công tác quản lý vùng bờ.
Tuy nhiên, Giáo sư Raphael Lotilla- Giám đốc điều hành PEMSEA đánh giá: “Trên thực tế Việt Nam còn nhiều thách thức cần được giải quyết, đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách và luật pháp đã được Việt Nam thông qua, cùng với những thách thức mới nảy sinh không ngừng”.
Còn theo phân tích của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thời gian qua vẫn còn thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng trong quá trình quản lý tổng hợp vùng bờ.
Hơn 10 tham luận trình bày tại diễn đàn đã hướng đến Chương trình khung 5 năm (2011-2016) về quản lý tổng hợp vùng bờ của Việt Nam, thiết lập thể chế thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ, chương trình xây dựng năng lực để hỗ trợ việc mở rộng quản lý tổng hợp vùng bờ tại một số tỉnh...
Các đại biểu đến từ một số tỉnh, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã đóng góp tại diễn đàn các tham luận đề cập đến tình hình thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ tại cơ sở, như kinh nghiệm trong cơ chế phối hợp liên tỉnh thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ (giữa Hải Phòng và Quảng Ninh), thể chế hóa quản lý tổng hợp vùng bờ tại địa phương (Đà Nẵng), nhu cầu tăng cường năng lực thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ của Khánh Hòa.