(GLO)- Mới đây, chúng tôi về phường Bình Định (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Căn nhà của nhà thơ Yến Lan nằm ngay đầu vào chợ Bình Định và đóng cửa im lìm, bên ngoài vẫn còn treo tấm băng rôn “Kỷ niệm 20 năm ngày mất nhà thơ Yến Lan: 15/8/1998-15/8/2018”. Chúng tôi loay hoay nhờ người thông báo với người thân nhà thơ đến mở cửa để vào nhà thắp hương cho ông. Một lát sau, cháu gái của nhà thơ đến và xin lỗi chúng tôi vì ngôi nhà này đã bán cho người khác nên không mở cửa được. Gia đình đang làm một ngôi nhà mới cũng ở gần đây nhưng đợi khi hoàn thiện thì sẽ dời ban thờ nhà thơ Yến Lan về đó. Chúng tôi đành cáo từ và hẹn dịp khác.
Bến đò Trường Thi. Ảnh: B.Q.V |
Trời Bình Định hôm ấy nắng nhẹ, chúng tôi đi tìm bến My Lăng, như tên bài thơ nổi tiếng của Yến Lan thời tiền chiến. Lại nhớ mấy câu thơ của nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn: “Bến My Lăng, bến ấy ở đâu?/Trời tĩnh mịch, trăng rơi vàng, thuyền đợi khách/Đất Bình Định, đất này lạ nhỉ!/Rượu ân tình, hoa tư tưởng, xứ lên men”. Ông Liễn hỏi mà câu trả lời bỏ ngỏ… thì chúng tôi biết tìm cái “bến mộng” ấy nơi nào! Có người nói với chúng tôi rằng, các anh đi tìm bến My Lăng thì chẳng khác nào tìm lá “diêu bông” của Hoàng Cầm… Đành vậy. Khi lục tìm trong tư liệu của bà Lâm Bích Thủy-con gái nhà thơ Yến Lan thì bà có nhắc đến chuyện được cha mình kể lại đôi nét về hoàn cảnh ra đời của bài thơ này: “Khi cha mới 6 tuổi, cuộc sống nghèo khó đã cướp đi sức lực và tuổi trẻ của bà nội tôi. Lúc đó bà ốm nặng lắm, không ăn được gì ngoài bánh canh tôm. Chợ xa, phải qua một lần đò. Chú bé 6 tuổi đi chợ mua bánh canh về, đứng đợi ông lái đò ở bờ bên sang đón. Song, hồn ông lái đò đã đi vào giấc ngủ mất rồi làm sao nghe được tiếng gọi đò yếu ớt của chú bé. Chú đợi mà lòng canh cánh sợ bánh canh nguội, sợ trẻ chăn trâu chặn đánh đổ hết bánh canh, về mẹ không còn gì ăn nên chú hối hả gọi ông lái đò-đó là cậu ruột; hàng ngày vẫn neo đậu ở bờ bên kia dù có khách hay không. Đôi bờ sông quá rộng, chú bé tha thiết, giục giã, hối hả gọi đò. Tâm trạng ấy đã đi vào tiềm thức của ba tôi từ khi ấy. Lớn lên có thêm chút triết lý, cộng với thực tế của cuộc sống, cha đã viết ra tiếng gọi đò đầy cám cảnh: “Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi”, “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng”…
Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lan, sinh năm 1916, quê ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn ngày nay, là một trong “Bàn thành tứ hữu” nổi danh xứ “Đất võ trời văn” giai đoạn 1936-1945 (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn). Quê mẹ nhà thơ ở bên kia sông Tân An, chi lưu của sông Côn, đổ về đầm Thị Nại. Nơi đây xưa kia, thời nhà Nguyễn có trường thi hương dành cho học trò từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa nên sau này người Bình Định gọi là sông Trường Thi. Trước năm 1945, người dân hai bên bờ sông muốn qua lại phải đi đò. Năm 2005, cầu Trường Thi được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố nên bến đò Trường Thi đã không còn nữa. Tuy miền quê ấy của tuổi thơ Yến Lan đã cách nay gần một thế kỷ với nhiều đổi thay nhưng dòng Trường Thi vẫn trôi và dấu vết bến đò cũ năm nào vẫn còn vấn vương trong lòng người Bình Định. Có thể nói không quá rằng, đó là dòng sông của thi nhân. Bên kia sông (thuộc phường Nhơn Hòa) là quê mẹ Yến Lan, bên này sông (thuộc phường Nhơn Hưng) là nơi Chế Lan Viên (tên thật là Phan Ngọc Hoan, SN 1920) sinh sống và lớn lên cùng gia đình, sau này cùng học Trường Tiểu học Pháp-Việt ở thị trấn Bình Định, rồi lớn lên trở thành đôi bạn thơ thân thiết, là nhóm “Tứ linh” của xứ Nẫu (Hàn Mặc Tử là long, Chế Lan Viên là phụng, Yến Lan là lân, Quách Tấn là quy). Nhóm bạn thơ này vẫn còn kỷ niệm khá sâu sắc là vào những đêm trăng sáng, các thi nhân cùng trèo lầu Cửa Đông (sau này Chế Lan Viên gọi là lầu “Tư tưởng”) để ngắm cảnh vật của kinh thành xưa với những tháp Chàm cô đơn, quạnh quẽ. Chính khung cảnh của vùng đất cổ, nơi từng là phế đô của Chiêm quốc, là kinh đô thời Tây Sơn và cũng là mảnh đất chiến địa của một thời phong kiến suy tàn… đã tác động không ít đến tư tưởng, tình cảm của những người con đất Bình Định mà sinh ra “trường thơ loạn” với sự ra đời các tập thơ đầu tiên như: Điêu tàn (Chế Lan Viên), Giếng loạn (Yến Lan), Thơ điên (Hàn Mặc Tử)… Về sau, Bích Khê ở Quảng Ngãi vào Bình Định tham gia nhóm, “Bàn thành tứ hữu” từ đó đổi tên trở thành nhóm “Ngũ hành”. Bích Khê có tập thơ “Tinh huyết” được Hàn Mặc Tử là chủ soái của nhóm khen, viết lời tựa.
Trở lại “bến My Lăng” của Yến Lan, một bến sông không có trong đời thực. Nhưng cái bến đò ấy với ông lái đò và tiếng gọi đò ngày xưa mà suốt thời niên thiếu của nhà thơ đã từng trải nghiệm vẫn hiện hữu trên chính quê hương Bình Định-đó là bến sông Trường Thi. Ngày tôi trở lại, bến đò vẫn còn đôi ba chiếc thuyền câu chơ vơ không một bóng người, dòng sông vẫn lạnh bên bờ tre soi bóng, doi cát vàng bên sông còn đó; miền quê ngoại của Yến Lan vẫn êm đềm, thanh bình “Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh”. Ký ức một thời giữa mảnh quê nghèo-nơi chôn nhau cắt rốn-được Yến Lan kể lại trong những câu thơ: “Quê ngoại bên kia bãi cát vàng/Mẹ tôi về lỡ chuyến đò ngang/Cơn đau trở dạ không giường chiếu/Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng”. Bài thơ “Bến My Lăng” chỉ với 22 câu nhưng trong đó có 8 câu với 9 lần nhắc tới “trăng” và 5 lần nói đến “Bến My Lăng” với 5 lần “gọi đò”. Có người cho rằng, nếu đổi tên bài thơ thành “Bến Trăng” thì cũng không lạc chủ đề. Tôi thiển nghĩ, các thi sĩ nhóm “Bàn thành tứ hữu” dường như ai cũng “say trăng” và mắc “bệnh trăng”, nổi bật là Hàn Mặc Tử, chủ soái của nhóm. Đến Yến Lan cũng tự thú “Tôi đã thành người mắc bệnh trăng”. Có lẽ trăng ở Bình Định vào thời ấy đã gieo xuống nhân gian một sắc thái khác thường, tạo ra những cảm hứng cho mạch nguồn thi ca: “Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly/Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi…”. Sự xuất hiện của chàng kỵ mã giữa đêm trăng bàng bạc bên dòng sông và tiếng gọi đò hối hả trong đêm thanh vắng, trời tĩnh mịch tạo nên dấu ấn đầy lãng mạn. Nhưng tất cả rồi cũng trả lại cho một không gian buồn hiu hắt bên cạnh một bến sông lạnh với ông lái đò buồn tênh: “Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng/ Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng”.
BÙI QUANG VINH