Di tích Hải Vân Quan trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2017, di tích Hải Vân Quan đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách.
 Di tích Hải Vân Quan
Di tích Hải Vân Quan
Di tích Hải Vân Quan là một công trình quân sự do triều đình nhà Nguyễn xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân vào năm 1826 để bảo vệ kinh thành Huế và giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng.
Những ngày này, rất đông du khách đến tham quan Hải Vân Quan. Ông Phạm Hồng Thái ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi từng đến đây trên dưới chục lần. Cứ mỗi năm tôi lại đi một lần. Tôi đi từ lúc chưa có hầm Hải Vân. Giờ tôi thấy bà con đến chụp hình đông hơn, và cũng sạch sẽ hơn chứ không như ngày xưa."
Du khách tới đây không chỉ có người Việt Nam mà còn rất nhiều du khách người nước ngoài. Họ vừa tham quan kết hợp mua sắm.
Ông Lại Thanh Hà, quê ở tỉnh Nam Định, đã có gần 30 năm sống trên đỉnh đèo Hải Vân cho biết, khi Hải Vân Quan được xếp hạng di tích quốc gia, khách đến ngày càng đông hơn. "Rất đông khách châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc tới đây. Tôi rất mừng vì Hải Vân Quan có lượng khách quốc tế đến nhiều", ông Hà nói.
 
Ông Phan Thanh Hải, Giám Đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố Huế cho biết, lượng khách tới Hải Vân Quan những năm gần đây tăng lên đáng kể. Theo tính toán, năm ngoái có khoảng hơn 320.000 lượt khách. Hải Vân Quan nếu sớm được bảo tồn sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn trong tour du lịch gắn với các di tích thuộc triều Nguyễn để lại trên kinh đô Huế.
Theo ông Phan Thanh Hải, di tích này là một điểm dừng chân thú vị khi du khách đến thành phố Đà Nẵng: "Chúng tôi nghĩ rằng, khi di tích gắn liền với khu vực này chúng ta quy hoạch lại thì sẽ trở thành điểm khai thác rất tốt về mặt du lịch. Đồng thời nó là điểm nhấn mà từ đây có thể nhìn vào Đà Nẵng và nhìn về Thừa Thiên Huế, là điểm kết nối giữa hai địa phương. Và cũng như mong muốn của hai địa phương là làm sao biến Hải Vân Quan trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, hợp tác giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế."
Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế báo cáo kết quả khai quật khảo cổ và góp ý dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích Hải Vân Quan. Qua quá trình nghiên cứu và khai quật đã tìm thấy nhiều dấu vết nền móng tường thành cũ. Đa số những dấu tích tường thành đều được cải tạo, xây xếp vào giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ chiếm đóng, làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích thời Nhà Nguyễn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì cần tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc hai cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan cũng như các công trình bên trong khu di tích; Bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ. Kết quả khảo cổ này là những cứ liệu khoa học cần thiết phục vụ cho công tác tu bổ, tôn tạo phục hồi để phát huy giá trị khu di tích. Di tích này sẽ là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi địa danh du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Phương Cúc (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.