Trước đó, một số địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng… cũng có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy thêm, học thêm kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ hè.
Xuất phát từ tâm lý lo lắng, sợ con không theo kịp chương trình khi vào năm học mới của nhiều phụ huynh, các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, cơ sở dạy thêm, học thêm đã mở hàng loạt khóa học bổ sung kiến thức cho học sinh trong dịp hè. Đặc biệt, đối với học sinh chuẩn bị vào học lớp 1, nhu cầu cho con học chữ ngày càng phổ biến. Lâu dần, số lượng trẻ được học trước chương trình chiếm tỷ lệ áp đảo; dạy thêm, học thêm trở thành bình thường và ai không đi học thêm sẽ bị tụt lại phía sau do không theo kịp tiến độ chung của lớp.
Sau khi có văn bản đề nghị của cơ quan quản lý, đại diện các trường tiểu học đều cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học trong dịp hè. Theo đó, các hoạt động thiên về rèn kỹ năng, tạo cơ hội cho trẻ phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, hình thức nở rộ và khó kiểm soát nhất chính là các lớp dạy chữ tự phát tại nhà của giáo viên. Đây là hình thức mở lớp tiềm ẩn nhiều rủi ro, do hầu hết các lớp không có cơ sở vật chất ổn định, hợp đồng thuê mướn với đơn vị tư nhân bên ngoài, dẫn đến tình trạng bàn học và ghế ngồi của học sinh không đúng chuẩn, địa điểm tổ chức dạy thêm thường xuyên biến động, gây khó khăn cho công tác tổ chức lớp.
Để dạy thêm, học thêm được đẩy lùi, cần sự quyết liệt hơn nữa của ngành giáo dục. Chính quyền các địa phương cũng cần thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên của các nhóm giữ trẻ.