Chuyện thi hộ, làm bài hộ giờ đây bước sang một “trạng thái mới” thích ứng với thời dịch bệnh Covid-19. Đó là các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ đạt điểm cao.
Có cầu ắt có cung, dịch vụ này đang nở rộ trên mạng xã hội đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau với mục tiêu đạt điểm cao trong các kỳ thi, bài kiểm tra…
Các nhà trường lường trước được tình trạng này nên đặt ra nhiều giải pháp từ kỹ thuật đến các quy định chế tài chống gian lận trong thi cử. Đó là chưa kể, về mặt luật pháp đã có Nghị định 04/2021 ban hành ngày 22.1.2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có hành vi làm bài hộ hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ, thi thay… Thế nhưng, những kiểu gian lận như thế này vẫn tiếp tục diễn ra và thậm chí còn có những biến hóa để hợp với thời thế.
Có thể do mức chế tài, răn đe không đủ mạnh để người ta sợ. Cũng có thể còn tâm lý cứ làm được thì làm, biết đâu qua trót lọt nên người học cứ thản nhiên chấp nhận gian lận để có điểm số cao dù đó không phải là điểm thật của mình.
Chính vì vậy, cần có những giải pháp bền vững, căn cơ hơn để giáo dục trở về đúng như yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo vào tháng 5.2021: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Giải pháp căn cơ chính là thay đổi quan điểm, cách đánh giá trong giáo dục. Đến giờ đây, sau 2 năm diễn ra dịch Covid-19, trải qua những lúng túng ban đầu, chúng ta đã nhận ra rằng học trực tuyến không phải là giải pháp tạm thời mà là một trong những hình thức học tập của hiện tại và tương lai. Chính vì vậy phải có những thay đổi mạnh mẽ chứ không thể bê nguyên cách thức quản trị, dạy, thi, đánh giá kiểu truyền thống sang trực tuyến. Thay đổi còn ở triết lý giáo dục lấy sự thực chất, nội lực của người học là quan trọng, là yếu tố tiên quyết chứ không phải kết quả ảo.
Thay vì kiểm tra, đánh giá người học chỉ trên kiến thức sách vở thuần túy thì có thể cho sinh viên thực hiện các dự án thực tế theo nhóm, mở rộng thi theo kiểu vấn đáp… Điều này không chỉ giúp người học vận dụng được kiến thức, người dạy đánh giá đúng năng lực của sinh viên mà còn tránh được tình trạng gian lận thi cử.
Ở nhiều nước, trong những ngày đầu tiên vào đại học, sinh viên được giáo dục rằng đạo văn là vi phạm đạo đức học thuật và được hướng dẫn kỹ lưỡng tránh phạm vào hành vi này dù là vô tình, đồng thời có những hình thức xử phạt thích đáng. Chính vì vậy, sinh viên sẽ cảm thấy sỉ nhục nếu phạm lỗi đạo văn. Để có được ý thức này, cũng cần bắt đầu từ gốc. Đó là ngay từ bậc tiểu học, phải dạy cho học sinh không sử dụng văn mẫu, bài giải mẫu dưới mọi hình thức. Ở VN, đây vẫn còn là vấn đề nhức nhối của giáo dục. Chính vì vậy, trả lời chất vấn trước Quốc hội trong tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn: “Phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu. Việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh...”.
Khi quan điểm lấy thực chất làm trọng trở thành một nhận thức xuyên suốt trong giáo dục thì không cần những giải pháp mang tính tạm thời, mang yếu tố kỹ thuật, người học vẫn sẽ chủ động học thật, thi thật.
Theo Nhiên An (TNO)