Đê Chơ Gang ngày mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ và người dân, làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc.

Chung tay dựng nhà rông

Chúng tôi trở lại làng Đê Chơ Gang vào một ngày đầu năm mới. Đón chúng tôi từ cổng làng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đinh Văn Cao khoe: Làng Đê Chơ Gang giàu truyền thống cách mạng.

Trước đây, bà con một lòng theo cách mạng đánh đuổi kẻ thù. Hiện nay, người dân tiếp tục đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, củng cố khối đoàn kết, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, mới đây, người dân đã đóng góp công sức xây dựng nhà rông mới to đẹp hơn, vững chãi hơn.

Tuy tận dụng lại nhiều vật liệu cũ nhưng nhà rông làng Đê Chơ Gang vẫn bền, chắc. Ảnh: Nhật Hào

Tuy tận dụng lại nhiều vật liệu cũ nhưng nhà rông làng Đê Chơ Gang vẫn bền, chắc. Ảnh: Nhật Hào

Theo ông Cao, nhà rông cũ được xây dựng từ hơn 20 năm trước nên đã xuống cấp. Sau nhiều lần họp làng, đầu năm 2023, bà con quyết định chung tay dựng nhà rông mới.

“Làng có 135 hộ, trong đó có 120 hộ người Bahnar. Tính theo số khẩu, các hộ đã đóng góp gần 100 triệu đồng mua vật liệu. Sau đó, người làng tập trung lại tháo dỡ nhà rông cũ và dựng nhà rông mới. Mỗi người một tay, chỉ hơn 1 tháng sau, nhà rông mới được hoàn thành trong niềm vui của mọi người”-ông Cao kể.

Ngắm nhìn nhà rông mới vững chãi, già làng Đinh Klum phấn khởi khoe: “Nhà rông mới rộng hơn 120 m2. Ngày về nhà rông mới, bà con đóng góp thêm tiền mua heo, gà và rượu ghè để cúng Yàng. Ai nấy đều rất phấn khởi”.

Ông Cao cho biết thêm: Nhà rông là nơi tổ chức các lễ cúng quan trọng của làng. Ngoài các lễ cúng truyền thống, hàng năm, cứ đến ngày 28 tháng Chạp, làng đều tổ chức lễ cúng tất niên. Hiện nay, khoảng sân trước nhà rông vẫn đang là nền đất. Thời gian tới, làng sẽ đóng góp kinh phí hoặc đề xuất Nhà nước hỗ trợ vật liệu để đổ bê tông.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Dẫn chúng tôi đi dạo trên con đường bê tông phẳng lì, hai bên đường là những hàng cây chuỗi ngọc được trồng thẳng tắp tô điểm cho không gian của làng thêm tươi mới, ông Cao vui vẻ cho hay: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, làng đã cải thiện được cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Từ năm 2016 đến nay, làng được Nhà nước hỗ trợ gần 4 tỷ đồng sửa chữa đập thủy lợi, kênh mương, giọt nước cũng như hỗ trợ giống lúa, phân bón, cây-con giống.

Bên cạnh đó, xã cũng trích ngân sách hỗ trợ làng bê tông hóa một số tuyến đường nội thôn. Ngoài ra, một số Mạnh Thường Quân và đơn vị kết nghĩa hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người dân. Đến nay, 80% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 100% nhà ở đảm bảo kiên cố.

100% nhà ở của người dân làng Đê Chơ Gang đã đảm bảo kiên cố. Ảnh: N.H

100% nhà ở của người dân làng Đê Chơ Gang đã đảm bảo kiên cố. Ảnh: N.H

Bên cạnh đó, những năm gần đây, dân làng còn tích cực tham gia trồng rừng sản xuất nên thu nhập tăng lên đáng kể. Thời gian qua, Nhà nước đầu tư xây dựng đập thủy lợi Tờ Đo với kinh phí hơn 3 tỷ đồng và UBND huyện xuất ngân sách 638 triệu đồng xây dựng hệ thống kênh mương dài gần 700 m đã giúp cho việc canh tác lúa nước đạt hiệu quả hơn, năng suất đạt 5-6 tấn/ha. “Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/năm”-ông Cao chia sẻ.

Trao đổi cùng P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Vũ Thanh thông tin: Những năm gần đây, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, dân làng Đê Chơ Gang đã phát huy nội lực, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi để cải thiện thu nhập; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, bà con đã đóng góp gần 1 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

“Theo kế hoạch, làng Đê Chơ Gang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Đến nay, làng đã đạt 15/19 tiêu chí, 4 tiêu chí chưa đạt gồm: quy hoạch, môi trường, thu nhập và hộ nghèo.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất nhằm từng bước cải thiện thu nhập”-Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.