Dù chưa có cơ sở để kiểm soát việc xử lý tấm pin điện mặt trời sau khi hết vòng đời sử dụng nhưng nhiều dự án buộc phải cam kết điều này mới được phê duyệt hoặc vay vốn.
Một trong những phát ngôn làm sôi động nghị trường trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (QH) đang diễn ra là phần chất vấn của đại biểu (ĐB) Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Nữ ĐBQH này hỏi: "Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này, pin đó để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao? Bởi vì vùng lòng chảo của chúng tôi có đặc sản bò một nắng, heo một nắng. Thế những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng?".
Ví von khá đặc biệt của ĐBQH Gia Lai khiến một số người có mặt bật cười. Tuy nhiên, có thể hiểu nữ ĐBQH này bày tỏ lo lắng về việc xử lý tấm pin mặt trời sau khi hết hạn có thể bị bỏ ngỏ và gây hậu quả xã hội không tốt.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại ý kiến của một số doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành để làm rõ hơn thực tế.
Một số dự án điện mặt trời có điều khoản yêu cầu nhà cung cấp phải thu hồi và xử lý sau khi thiết bị hết hạn. Ảnh: Thùy Dương |
Với dự án điện mặt trời Đa Mi, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cho biết dự án này vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nên những điều kiện về mặt môi trường rất khắt khe. Theo đó, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), doanh nghiệp phải cam kết chịu toàn bộ chi phí xử lý tấm pin điện mặt trời sau khi hết vòng đời sử dụng. Chi phí này được tính vào giá thành.
"Dự án cam kết trả nợ cho ADB trong vòng 14 năm. Sau thời gian này, ADB sẽ không giám sát trực tiếp dự án nữa. Trong khi đó, dự án có vòng đời khoảng 20-25 năm theo cam kết của nhà cung cấp tấm pin điện mặt trời. Nhưng dù ADB không còn giám sát sau 14 năm thì bản thân doanh nghiệp cũng phải tự giác thực hiện cam kết bởi vẫn còn sự giám sát từ phía chính quyền địa phương theo đúng nội dung ĐTM được phê duyệt" - ông Lê Văn Quang khẳng định.
Lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân đầu tư điện mặt trời cũng cho hay khi ký cam kết với nhà cung cấp, bao giờ cũng có điều khoản buộc nhà cung cấp phải thu hồi các tấm quang điện sau khi dự án hết vòng đời, thông thường là sau khoảng 20 năm. Còn vấn đề tái chế tấm pin ra sao là trách nhiệm của họ với các quy định của nước sở tại. "Độc hại nhất là sử dụng ắc-quy để tích điện thì chúng ta đã không dùng rồi" - ông nói thêm.
Giới chuyên gia lưu ý tình trạng thời gian khai thác tấm pin có thể ngắn hơn cam kết. Do đó, nhà nước cần giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu và đề ra quy định xử lý tấm pin trong tình huống này. Trong đó, nghiền, xử lý rồi đưa vào lại lòng đất hay thu hồi nguyên là điều cần được nghiên cứu kỹ. Ngoài ra, nên sớm có quy định cụ thể để ràng buộc nhà sản xuất, nhà phân phối có trách nhiệm thu hồi hoặc thuê đơn vị xử lý các tấm quang điện hết hạn, thay vì để các bên tự thỏa thuận. Cùng đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xử lý tái chế tấm quang điện an toàn.
Đây không phải lần đầu Báo Người Lao Động đề cập vấn đề xử lý tấm pin điện mặt trời. Giữa năm 2019, khi đi thực tế tại một số dự án điện mặt trời như Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2, Dầu Tiếng 3, phóng viên từng đặt câu hỏi với nhà đầu tư về phương án xử lý các tấm pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng. Vào thời điểm đó, nhà đầu tư cho biết do không thể tự xử lý nên trong hợp đồng cung ứng pin, họ đã thiết kế điều khoản yêu cầu nhà cung cấp phải thu hồi và xử lý sau khi thiết bị hết hạn. Trong đó, có ràng buộc về mặt tài chính đối với đối tác cung cấp bằng cách giữ lại một khoản chi phí và trả sau.
Theo Phương Nhung (NLĐO)