Trong quyết định mới đây của Sở Văn hóa-Thể thao TP Hà Nội, 99 viên chức là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV tại 6 nhà hát được hỗ trợ mỗi người 3.710.000 đồng. Đây là khoản hỗ trợ trong gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ dành cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Yếu tố đáng chú ý là trong danh sách có những người nổi tiếng, những diễn viên đang có mặt trong những bộ phim truyền hình đình đám. Việc này vừa bất ngờ lại không bất ngờ. Bất ngờ với một bộ phận công chúng là diễn viên ngôi sao thường có cuộc sống hào nhoáng lại nằm trong diện này. Còn không bất ngờ vì họ còn trẻ, mức lương họ nhận theo chức danh nghề nghiệp còn ở mức thấp, chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, xét theo các tiêu chí của gói an sinh xã hội nói trên, là đúng đối tượng.
Lâu nay, trong nếp nghĩ thông thường của không ít người đời, danh phận nghệ sĩ thường đi với chữ nghèo. Còn khi đã là nghệ sĩ ngôi sao thì họ có đủ tiền tài, danh vọng, cuộc sống lấp lánh hào quang. Nếp nghĩ đó chỉ đúng một phần và trong một số trường hợp. Có những nghệ sĩ, trên sân khấu với vai diễn giàu sang phú quý nhưng sau cánh màn nhung là đời thường thanh đạm. Chỉ những nghệ sĩ may mắn do có người thân làm ăn giỏi hoặc có những cơ may trong đời mà làm thêm bên ngoài rồi phất lên, có cuộc sống dư dả hơn người, nhưng số này là hiếm.
Đại đa số nghệ sĩ sống bằng lương và thu nhập từ những buổi biểu diễn. Ngoài nghệ sĩ biểu diễn thì những người làm các công đoạn khác trong các đoàn nghệ thuật, nhất là công nhân hậu đài, khi đoàn không đi diễn thì họ sẽ không có thu nhập, khoản lương và phụ cấp là không đủ đắp đổi cuộc sống gia đình. Suốt hơn một năm rưỡi qua, các nhà hát không sáng đèn bởi dịch Covid-19 hoành hành, đời sống nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nghệ sĩ, công nhân hậu đài chật vật làm thêm, song khi thực hiện giãn cách xã hội kéo dài thì gia cảnh của nhiều người lâm vào khốn khó. Vì vậy, cảm ơn sự quan tâm của ngành song những nghệ sĩ ngôi sao đều cho biết sẽ nhường khoản hỗ trợ trên cho đồng nghiệp trong đơn vị đang có cuộc sống khó khăn hơn.
Phải khẳng định gói an sinh 26.000 tỉ đồng đã phát huy tác dụng khi ban hành kịp thời, bắt đầu từ 1-7-2021. Tuy nhiên, sau 2 tháng, chỉ mới giải ngân hơn 8.000 tỉ đồng cho hơn 13,5 triệu người, vẫn chậm về tiến độ và hiệu quả giải ngân. Tại buổi họp trực tuyến với các địa phương ngày 26-8, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá một số địa phương làm rất chậm. Dù có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, thực hiện giãn cách, thiếu nguồn lực…, song chủ yếu vẫn do chủ quan, còn trông chờ, ngại việc, ngại khó, sợ trách nhiệm ở một số địa phương.
Để đẩy nhanh tiến độ và phù hợp tình hình thực tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi về gói an sinh này theo hướng bổ sung một số điều kiện, nới lỏng thủ tục với nhóm lao động có hợp đồng phải ngừng việc, nghỉ việc, hộ kinh doanh và cho vay vốn trả lương ngừng việc.
Đây là việc nên làm và hãy làm tốt hơn, để gói an sinh này đến tay người cần hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời.
Theo HOÀNG HOA (NLĐO)