Đầu tư hạ tầng giao thông: Tạo sức bật cho vùng sâu, vùng xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, tỉnh ta ưu tiên nguồn lực đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo động lực cho khu vực vùng sâu, vùng xa phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình 135… đã tạo nên những đổi thay đậm nét ở khu vực nông thôn.
Đổi thay ở vùng khó 
Lơ Pang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang. Xã hiện có 7 làng với 1.101 hộ, trong đó, số hộ đồng bào Bahnar chiếm 95%. Những năm trước đây, việc đi lại của bà con giữa các làng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người dân ở làng Pờ Yầu. Ông Lê Lợi-Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang-chia sẻ: “Làng Pờ Yầu có 153 hộ với hơn 500 khẩu người Bahnar nhưng có đến phân nửa là hộ nghèo. Nhiều năm qua, từ tỉnh lộ 666 lên làng Pờ Yầu vẫn là đường đất ngược núi. Được sự quan tâm chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, cuối năm 2019, tuyến đường bê tông dài 7,4 km lên đỉnh Pờ Yầu đã chính thức khởi công. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành, đường lên Pờ Yầu từ nay không còn xa nữa”. 
Thi công cầu Ia Rmok (huyện Krông Pa). Ảnh: L.H
Thi công cầu Ia Rmok (huyện Krông Pa). Ảnh: L.H
Cũng theo ông Lợi, từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn tỉnh cân đối, trên địa bàn xã Lơ Pang đã có 18 công trình giao thông được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 29,4 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là công trình đường lên làng Pờ Yầu với số vốn 18,4 tỷ đồng, trong đó số ngày công các đơn vị lực lượng vũ trang đóng góp quy đổi thành 3,4 tỷ đồng. “Với xã vùng 3 như Lơ Pang, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông là nguồn lực quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển; bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc, góp phần cải thiện đời sống người dân nhờ giao thương thuận tiện”-ông Lợi cho biết thêm.
Tương tự, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, hệ thống đường liên xã, liên thôn trên địa bàn vùng căn cứ cách mạng Krong (huyện Kbang) cơ bản đã được bê tông hóa, cứng hóa. “Krong đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm nay. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh và huyện, xã cũng kêu gọi người dân đóng góp thêm tiền của, ngày công lao động”-ông Đỗ Công Trúc-Chủ tịch UBND xã Krong cho hay. 
Hoàn thiện huyết mạch giao thông đến tận thôn, buôn
Được mệnh danh là vùng “chảo lửa” nhưng nhiều năm nay, nhờ chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, huyện Krông Pa đã chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội. 
Ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-khái quát: Cách đây 5 năm, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện phần lớn chưa được quy hoạch cơ bản. Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường là đường đất, chưa được cứng hóa… Trước thực tế đó, Huyện ủy Krông Pa đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các xã, thị trấn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2025. Theo đó, từ năm 2016 đến 2019, toàn huyện đã đầu tư làm mới và nâng cấp được gần 165 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 231 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 207,65 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 11,78 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và nhân dân đóng góp). “Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, có quy hoạch và tầm nhìn cụ thể đã góp phần gia tăng tính kết nối, thúc đẩy giao thương, tạo động lực cho các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo”-ông Vân đánh giá.
Thi công đường liên xã nối từ Sơn Lang-Đak Krong huyện Kbang. Ảnh: L.H
Thi công đường liên xã nối từ Sơn Lang-Đak Krong huyện Kbang. Ảnh: L.H
Ở Krông Pa hiện nay, phần lớn các tuyến đường liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Cũng theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Huyện ủy Krông Pa, dự kiến trong năm nay, huyện tiếp tục đầu tư làm mới và nâng cấp 22,38 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư khoảng 28,2 tỷ đồng.
Nói về công tác đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Xác định giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đã huy động nguồn lực đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư, phát triển. “Hạ tầng ngày một hoàn thiện là cơ sở quan trọng thúc đẩy giao thương, đi lại của người dân, gia tăng tính kết nối giữa các khu vực. Từ đó mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn”-ông Hạnh đánh giá.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: L.H
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: L.H
Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2019, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa 835 km đường huyện, 969 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện; cứng hóa 1.091 km đường trục thôn làng, đường liên thôn và 850 km đường ngõ xóm, 974 km đường trục nội đồng với tổng kinh phí đầu tư ước tính trên 4.360 tỷ đồng. Năm 2010, khi chương trình NTM bắt đầu được triển khai, toàn tỉnh chỉ có 3/222 xã đạt tiêu chí đường giao thông. Đến năm 2015, con số này là 71 xã và đến nay là 100 xã. Trong đó, 90,09% chiều dài đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện và 78,27% chiều dài đường trục thôn, làng, đường liên thôn, làng được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 60,16% chiều dài đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. 
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.