Thấp thỏm nỗi lo ngập nước vào mùa mưa
Sống tại hẻm 64 Nguyễn Thái Học (tổ 3, phường Hội Thương), hầu như năm nào bà Võ Thị Kim Cúc (87 tuổi) cũng chứng kiến cảnh nước tràn vào nhà khi có mưa lớn. Bà cho biết: Do con hẻm dốc nên khi mưa to, nước từ khu vực trên cao đổ xuống tràn vào nhà các hộ ở khu vực trũng thấp như nhà bà. Mỗi lần như vậy, bà phải mất vài ngày mới dọn dẹp xong.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 3 (phường Hội Thương) cho hay: Tại hẻm 64 Nguyễn Thái Học có 7 căn nhà bên cạnh suối Bà Thụ thường bị ngập vào mùa mưa. Trước đây, lòng suối rộng nên nước thoát nhanh. Năm 2020, thành phố đặt cống thoát nước tại suối. Tuy nhiên, do cống đặt cao hơn nền nhà dân nên nước thoát không kịp. Mỗi khi mưa lớn, có nhà ngập tới 1,7 m.
Bà Võ Thị Kim Cúc phải mở nhiều ống thoát nước trước sân và trong nhà để hạn chế nước tràn vào nhà. Ảnh: Hồng Thương |
Tương tự, nhiều hộ tại hẻm 39 Lý Nam Đế (tổ 6, phường Trà Bá) có nhà thấp hơn mặt đường nên mỗi khi mưa lớn là nước tràn vào. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (39/27 Lý Nam Đế) bộc bạch: “Đường Lý Nam Đế chưa có hệ thống thoát nước nên mỗi lần mưa to, nước đổ dồn về con hẻm rồi tràn vào nhà dân. Nước mưa càng nhiều thì mùi hôi càng nặng. Gia đình tôi và các hộ đã nâng nền, làm gờ xi măng nhưng nước vẫn tràn vào sân”.
Tại phường Phù Đổng, nhiều hộ thuộc tổ 2 cũng thấp thỏm mỗi khi trời mưa to. Chủ tịch UBND phường Võ Trung Hùng thông tin: Khu vực phía sau đường Hùng Vương có 1 con mương nhỏ chảy từ sau lưng nhà thờ Thánh Tâm đổ xuống suối Hội Phú (đoạn cầu Nguyễn Viết Xuân). 4 năm trở lại đây, mỗi khi mưa lớn, nước tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc của 42 hộ dân. Ủy ban nhân dân thành phố đang tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Không chỉ nước tràn ngập vào nhà, tình trạng sạt lở ở vùng ven TP. Pleiku cũng là điều đáng lo ngại mỗi mùa mưa đến. Chỉ tay vào con mương bên hông nhà, bà Nguyễn Thị Nhành (thôn 3, xã Diên Phú) than thở: “Con mương này dài gần 200 m do gia đình tôi và hộ ông Trần Văn Khánh hiến đất để làm chỗ thoát nước. Thành phố cũng đã xây dựng bờ kè dài gần 20 m để hạn chế sạt lở bờ mương. Tuy nhiên, tuyến đường Trường Sa đi qua trước nhà chưa có cống thoát nước nên mỗi lần trời mưa, nước trên đường đổ về làm con mương sạt lở, bốc mùi hôi. Chúng tôi kiến nghị thành phố xây dựng bờ kè đoạn còn lại của con mương để bảo đảm thoát nước, tránh gây sạt lở”.
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Bình-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 3 (xã Diên Phú) cho biết: Nguyện vọng của 2 hộ nói trên là rất xác đáng. Thôn kiến nghị thành phố sớm xây dựng bờ kè để hạn chế sạt lở và ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Nhành chỉ tay về con mương giữa đất nhà bà và hộ ông Khánh. Ảnh: Hồng Thương |
Tại tổ 6 (phường Thống Nhất), sau trận mưa lớn ngày 26 và 28-5 vừa qua, đoạn đường đầu hẻm 36 Lê Đại Hành bị sạt lở nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Thắm bức xúc: “Đơn vị thi công đường Lê Đại Hành không mở cửa hố ga trên tuyến đường dẫn đến nước mưa đổ hết xuống con hẻm gây sạt lở. Ủy ban nhân dân phường Thống Nhất đã khắc phục bằng việc kè rọ đá nhưng chỉ tạm thời”.
Ông Lương Kim Trọng-Tổ trưởng tổ 6-cho hay: Ngoài điểm sạt lở tại hẻm 36 Lê Đại Hành thì hầu hết các con hẻm khác của tổ 6 cũng hay bị ngập nước và lầy lội vào mùa mưa. Nguyên nhân là do tổ 6 nằm trong Dự án “Quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị đường 17/3” nên không thể triển khai việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, làm đường, cống thoát nước. Chúng tôi đề nghị thành phố quan tâm xây dựng bờ kè chống sạt lở tại hẻm 36 Lê Đại Hành; đồng thời, đối với Dự án “Quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị đường 17/3” đã hơn 20 năm nhưng chưa được thực hiện thì nên giải tỏa để người dân cải thiện hạ tầng, hạn chế lầy lội vào mùa mưa.
Chủ động phòng-chống ngập cục bộ
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt tại hẻm 64 Nguyễn Thái Học, ông Nguyễn Tiến Sỹ thông tin thêm: “Các hộ có nhà ở thấp hơn cống thoát nước đặt tại suối Bà Thụ nên việc bị ngập nước vào mùa mưa là không thể tránh khỏi. Do đó, khi có thông tin dự báo thời tiết về tình hình mưa bão, chúng tôi đều thông báo đến tất cả các hộ dân; đồng thời, kiểm tra và hướng dẫn các hộ chuẩn bị phương án ứng phó. Bên cạnh đó, phường cũng cử lực lượng phòng-chống thiên tai túc trực cùng với tổ theo dõi, hỗ trợ các hộ xử lý khi bị ngập lụt. Về lâu dài, tổ đề nghị UBND phường nghiên cứu phương án vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ các hộ nâng cao nền nhà nhằm tránh bị ngập lụt vào mùa mưa”.
Trong khi đó, ông Phạm Toàn Vinh-Chủ tịch UBND phường Thống Nhất thì cho hay: Địa hình hầu hết các khu vực của phường bị trũng nên mỗi lần trời mưa, nước từ các khu vực trên cao thuộc phường Yên Thế, Đống Đa, Hoa Lư đổ về gây ngập một số tuyến đường trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, phường đã trích ngân sách và huy động thêm các nguồn lực khác để xử lý dứt điểm 7 vị trí thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. Đối với khu dân cư nằm trong Dự án “Quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị đường 17/3”, phường triển khai đổ đất cấp phối nâng cao một số tuyến đường nhằm hạn chế lầy lội. Riêng điểm sạt lở tại hẻm 36 Lê Đại Hành mới đây, phường phối hợp với đơn vị thi công đường Lê Đại Hành làm kè rọ đá và đề xuất thành phố đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố tại điểm sạt lở này.
Điểm sạt lở tại hẻm 36 Lê Đại Hành đã được khắc phục nhưng người dân tại đây vẫn nơm nớp lo khi gặp mưa lớn. Ảnh: Hồng Thương |
Theo ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, thời gian qua, thành phố đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, đồng bộ hệ thống thoát nước. Riêng giai đoạn 2022-2023, thành phố nâng cấp, mở rộng 14 công trình giao thông (bao gồm nâng cấp hệ thống thoát nước) với tổng mức đầu tư 146,216 tỷ đồng. Hàng năm, trước mùa mưa, Phòng Quản lý đô thị triển khai nạo vét hệ thống thoát nước trên các tuyến đường; vệ sinh, cải tạo, mở rộng các cửa thu nước. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều vị trí thường bị ngập cục bộ vào mùa mưa trên các tuyến đường: Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Huân, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lý Nam Đế, Cách Mạng Tháng Tám, hẻm 03 Bà Triệu, hẻm 11 Nguyễn Viết Xuân, hẻm 64 Nguyễn Thái Học…
Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước trên một số tuyến đường đầu tư chưa đồng bộ; một số tuyến đường có cửa thu nước tiết diện nhỏ nên khi mưa to, nước tập trung lớn dẫn đến không thoát kịp; một số đường hẻm giáp suối Hội Phú nằm ở vị trí thấp, khi mực nước suối dâng cao gây ngập úng (hẻm 03 Bà Triệu, hẻm 11 Nguyễn Viết Xuân và khu vực tổ 2, phường Phù Đổng). Ngoài ra, một bộ phận người dân vứt rác ra đường, không đúng thời gian thu gom hoặc để rác tại cửa thu nước nên khi mưa lớn gây tắc nghẽn.
Nước tràn vào nhà dân trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) sau trận mưa lớn kéo dài tối 9-7 vừa qua. Ảnh: N.D |
Cũng theo Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, UBND thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố thực hiện Dự án đầu tư mở rộng mương hạ lưu hẻm 64 Nguyễn Thái Học, trong quá trình thi công chú ý nạo vét, thu dọn rác và đất đá xà bần, khơi thông dòng chảy; đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Quyết Tiến (hạ lưu mương thoát nước hẻm 64 Nguyễn Thái Học) đảm bảo dòng chảy không bị tắc nghẽn và ngập úng khu vực thượng lưu; giao UBND xã Diên Phú chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu phương án nâng cấp con mương thoát nước nằm giữa đất 2 hộ Nguyễn Thị Nhành và Trần Văn Khánh; UBND phường Trà Bá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu UBND thành phố phương án xử lý hệ thống thoát nước đường hẻm 39 Lý Nam Đế; giao Phòng Quản lý đô thị khảo sát, đề xuất phương án xử lý triệt để điểm sạt lở tại hẻm 36 Lê Đại Hành…
Về lâu dài, UBND TP. Pleiku giao các cơ quan chuyên môn tham mưu đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước trên các tuyến đường; nhanh chóng hoàn thiện các đồ án quy hoạch tại khu vực suối Hội Phú làm cơ sở đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thoát nước tại khu vực cầu suối Hội Phú; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, nhanh chóng triển khai Dự án thoát nước và xử lý nước thải (giai đoạn 1) TP. Pleiku nhằm xử lý các điểm ngập úng cục bộ; giao UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định. Ngoài ra, UBND thành phố đề nghị Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) kiểm tra, điều chỉnh cửa thu nước trên các tuyến đường: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp…