Đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch: Khoảng trống cần bù đắp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều đơn vị lữ hành thiếu hướng dẫn viên, nhất là trong mùa du lịch cao điểm. Trong khi người được đào tạo nghề lại không tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường. Đâu là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để đáp ứng sự phát triển của ngành “công nghiệp xanh” hiện nay?
Thiếu hướng dẫn viên
Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông du lịch Le Pleiku-cho biết: Sắp tới kỳ nghỉ lễ 2-9, Công ty đã nhận đủ khách và chốt danh sách các đoàn, nhưng hiện vẫn thiếu 3 đến 4 hướng dẫn viên. Đây cũng là tình trạng chung của các đơn vị lữ hành, nhất là sau khi du lịch mở cửa trở lại. “Thiếu hụt nhân lực du lịch, nhất là hướng dẫn viên không chỉ mới xuất hiện sau đại dịch Covid-19 mà là thực tế nhiều năm trở lại đây. Vào mùa du lịch cao điểm, chúng tôi vẫn phải nhờ cộng sự từ Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn hoặc TP. Hồ Chí Minh”-ông Phương nói.
Trong khi đó, nhiều sinh viên học ngành này ra trường lại không tìm được việc làm, làm không đúng ngành đào tạo hoặc phải đi các địa phương khác tìm việc. Anh Trần Văn Tùng (huyện Đak Đoa) tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) ngành hướng dẫn viên (khóa học 2017-2019) nhưng sau 4 năm ra trường, anh lại làm việc trong lĩnh vực khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh. Nói về lý do không theo nghề hướng dẫn viên, anh Tùng cho biết: “Lý do quan trọng nhất là tôi thiếu tự tin giao tiếp trước đám đông. Đến bây giờ đứng trước nhiều người để kể câu chuyện hay trình bày một vấn đề nào đó, tôi vẫn rất run, trong khi đây lại là kỹ năng quan trọng nhất của hướng dẫn viên. Mặc dù được đào tạo căn bản trong trường nhưng so với thực tế vẫn còn một khoảng trống”. Anh Tùng thông tin thêm, khóa anh theo học chỉ vỏn vẹn 6 người, sau đó 1 người bỏ học giữa chừng, số còn lại sau khi tốt nghiệp, không ai đi làm đúng chuyên ngành được đào tạo.
Hướng dẫn viên giới thiệu về Nhà máy thủy điện Ia Ly cho đoàn du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hướng dẫn viên giới thiệu về Nhà máy thủy điện Ia Ly cho đoàn du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hiện nay, một số đơn vị lữ hành có chương trình hướng dẫn các nhóm sinh viên Khoa Nghiệp vụ-Du lịch của Trường Cao đẳng Gia Lai đến thực tập. Nhưng theo ông Hoàng Phương, để tìm được cộng sự từ nguồn nhân lực này không dễ. “Năm vừa rồi, tôi trực tiếp dẫn các em đi các tuyến, điểm ở 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Hy vọng có thể tìm thấy vài em có khả năng để mời làm cộng sự, nhưng không em nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn”. Mặc dù đều rơi vào tình trạng thiếu nhân lực nhưng các doanh nghiệp lữ hành không muốn tuyển sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, bởi gần như phải đào tạo lại.
Chị Nguyễn Lê Hoàng Anh (Công ty TNHH Thương mại du lịch sinh thái Gia Lai) nêu thực tế: “Tình trạng thiếu hướng dẫn viên thường rơi vào mùa du lịch cao điểm như dịp hè, các kỳ nghỉ lễ. Chúng tôi thường chọn phương án tìm cộng sự có kinh nghiệm. Dù vất vả, tốn kém nhưng họ đáp ứng được yêu cầu công việc, có kiến thức phong phú và nhiều kinh nghiệm”.
Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Vì sao chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ vẫn không đạt được kỳ vọng? Chị Nguyễn Thị Thúy An-giảng viên Khoa Nghiệp vụ-Du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) cho biết, tuyển sinh không đảm bảo nhu cầu nên nhà trường không có sự lựa chọn nào khác đối với đầu vào. Những năm qua, nhà trường chỉ đào tạo nghề hướng dẫn viên hệ trung cấp, phần lớn là học sinh vừa tốt nghiệp THCS. Khóa học 2020-2022 chuyên ngành này chỉ có 12 học sinh, trong đó, 11 em là người dân tộc thiểu số. Các khóa trước, tỷ lệ này là 90%. “Nhiều em khá non nớt, nền tảng kiến thức mỏng. Sau 2 năm được đào tạo căn bản, trong quá trình học có đi thực tế, nhưng khi ra trường, các em vẫn rụt rè và thiếu tự tin. Trong khi nghề này đòi hỏi nhiều kỹ năng, ngoài vốn kiến thức rộng, phong phú về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán địa phương, các em còn phải có năng khiếu”-chị An cho biết.
Nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn là nhu cầu cấp thiết đối với du lịch Gia Lai để theo kịp với sự phát triển. Để có lực lượng lao động chuyên nghiệp, ổn định, hiệu quả thì cơ sở đào tạo là một mắt xích. Theo một số giảng viên, hướng nghiệp cho học sinh ở bậc phổ thông cần giúp các em hiểu rõ nhu cầu lao động ngành du lịch ở địa phương hiện đang rất lớn. Các em hoàn toàn có cơ hội việc làm ngay trên mảnh đất đang sinh sống. Giảng viên Nguyễn Thị Thúy An cho rằng: “Nếu tuyển sinh đầu vào đủ chuẩn thì đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ không đến nỗi bị động. Học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo có kiến thức, sự am hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử, cộng với tình yêu với vùng đất mình sinh sống, từ đó sẽ làm cho du khách ấn tượng và cảm nhận được sự đặc sắc của các điểm đến”.
 Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng là yêu cầu cấp thiết. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng khoa Nghiệp vụ Du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) cho biết, năm 2022, nhà trường tuyển sinh ngành quản trị khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn (nghề bếp) với chỉ tiêu 40 sinh viên/ngành. Trường cố gắng kết nối với các doanh nghiệp để người học đến thực tập, học việc, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế. “Chúng tôi khuyến khích, tạo điều kiện để các em tham gia các hội thi nghiệp vụ du lịch, các sự kiện văn hóa, triển lãm để học hỏi, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp từ thực tế. Nghề này thời gian thực hành càng nhiều càng có cơ hội trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp tạo điều kiện để các em vào thực tập, học việc không chỉ một lần mà nhiều đợt trong khóa học giúp sinh viên bồi đắp “vốn liếng”, có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Ngược lại, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chuẩn hóa đội ngũ lao động mà các đơn vị tuyển mới sau đại dịch. Tất cả đều vì mục tiêu đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Gia Lai”-bà Linh cho biết.
Gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp nhưng chính bản thân người học cũng phải không ngừng nỗ lực, đam mê với học tập, trau dồi mỗi ngày. Để sống được với nghề hướng dẫn, không chỉ có nền tảng kiến thức mà đòi hỏi thêm các kỹ năng mềm. Ngay cả với một hướng dẫn viên kỳ cựu có trên 20 năm kinh nghiệm như chị Nguyễn Lê Hoàng Anh, việc học tập, trau dồi ngoại ngữ, kiến văn về những điểm đến vẫn là nhiệm vụ hàng ngày.  
HOÀNG NGỌC
 
 

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.