Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Tạo việc làm, tăng thu nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai đã chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS). Giải pháp này đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, hướng đến giảm nghèo bền vững.

“Đòn bẩy” giảm nghèo

Năm 2021, anh Nay Gái (buôn Luk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) tham gia lớp học nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức. Anh cho biết: Ngày trước, gia đình có máy cày, máy nổ dùng chuyên chở phân bón cũng như bơm tưới thuốc lá. Những khi máy bị hỏng thì anh đưa sang các xã lân cận để sửa, vừa tốn tiền lại mất thời gian chờ đợi. Do vậy, khi Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở lớp dạy nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ tại xã, anh liền đăng ký tham gia. “Hiện nay, không chỉ sửa chữa máy cày của gia đình, tôi còn nhận sửa cho người dân trong xã. Công việc giúp tôi có thêm nguồn thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng mỗi khi đến mùa vụ”-anh Gái chia sẻ.

Nhờ được đào tạo nghề mà anh Nay Gái (buôn Luk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đã có thêm thu nhập từ việc sửa máy cày. Ảnh: Phạm Ngọc

Nhờ được đào tạo nghề mà anh Nay Gái (buôn Luk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đã có thêm thu nhập từ việc sửa máy cày. Ảnh: Phạm Ngọc

Anh Ksor Honh (buôn Thành Công, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) cũng được tạo điều kiện tham gia lớp học trồng lúa tại xã vào năm 2020. Sau khi hoàn thành khóa học, anh đầu tư cải tạo hơn 4 ha đất của gia đình để trồng lúa và mì. Anh Honh kể: “Trước đây, bình quân mỗi sào lúa, gia đình chỉ thu được 7 bao/vụ. Sau khi áp dụng những kiến thức đã học được để chăm sóc ruộng lúa đúng quy trình kỹ thuật, mỗi sào gia đình thu 15-17 bao/vụ. Còn ruộng mì thì đạt 25-30 tấn/ha. Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập 150 triệu đồng”.

Trong khi đó, cùng với hàng chục chị em ở làng Lợt (xã Kông Pla, huyện Kbang) tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, chị Đinh Thị Rim đã nắm bắt được kỹ thuật áp dụng vào chăm sóc vườn rau của gia đình. “Qua khóa học, tôi đã biết cách làm đất, bón phân, quản lý dịch hại, thu hoạch và bảo quản rau hiệu quả. Nhờ vậy, tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm trồng rau sạch phục vụ gia đình và bán ra thị trường để có thêm nguồn thu nhập”-chị Rim cho hay.

Ông Bùi Tiến Phương-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang-cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Nhờ đó, người dân đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; đồng thời, biết sửa chữa máy móc, từ đó giảm được chi phí, có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Việc đào tạo nghề nông thôn được các địa phương trong tỉnh triển khai trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó, tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Sau khi tham gia khóa học, anh Ksor Honh (buôn Thành Công, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) đã biết cách trồng lúa theo đúng quy trình kỹ thuật và cho năng suất cao. Ảnh: P.N

Sau khi tham gia khóa học, anh Ksor Honh (buôn Thành Công, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) đã biết cách trồng lúa theo đúng quy trình kỹ thuật và cho năng suất cao. Ảnh: P.N

Ông Kpă Đăk-Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Pa-cho hay: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, chú trọng theo nhu cầu sử dụng của xã hội, tạo sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Bên cạnh đó, chú trọng cơ cấu, trình độ ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu tăng lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp để học viên tham gia tốt vào thị trường lao động, có việc làm và thu nhập ổn định.

Theo bà Nguyễn Thị Yến-Phó Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2021, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, tổng số lao động được hỗ trợ học nghề là 15.103 người (trong đó có 14.199 người DTTS, chiếm 94%); tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trên 80%. Sau khi học nghề, nhiều người đã áp dụng vào phát triển sản xuất, xây dựng được các mô hình hiệu quả, có thu nhập cao. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2023, các cơ quan, đơn vị tuyển sinh và đào tạo nghề cho 15.297 người, đạt 122,4% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 38,42% năm 2022 lên 40%.

“Thời gian tới, Sở phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở đào tạo tập trung nghiên cứu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để lựa chọn nghề đào tạo cho phù hợp; xây dựng các phương án hoạt động hiệu quả để nâng cao năng lực tuyển sinh đạt kế hoạch được giao. Đồng thời, Sở phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp nhằm nâng cao chỉ số đào tạo lao động”-bà Yến thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.