Dạo quanh núi Bồng-sông Lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bắt xe buýt từ Quy Nhơn về Hoài Nhơn vào một ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa. Đây là địa danh không xa lạ lắm với chúng tôi, nhưng vùng đất với non xanh nước biếc ấy vẫn khá hấp dẫn với những ai thích khám phá. Lại nhớ, từ thuở cha ông ta “mang gươm đi mở cõi” thì Hoài Nhơn là miền đất có sớm nhất của xứ Quảng trong hành trình của người Việt về phương Nam (Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn), đến nay đã gần 550 năm từ thời vua Lê Thánh Tông. Đến triều Nguyễn thì phủ Quy Nhơn bấy giờ có 3 huyện: Bồng Sơn, Tuy Viễn và Phù Ly. Ngày nay, Bồng Sơn là thị trấn huyện lỵ của Hoài Nhơn.

Nhắc đến xứ dừa miền Trung, không ai không biết đến Tam Quan-Bồng Sơn thuộc huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định)-nơi có sông Lại, núi Bồng thơ mộng. Nhạc sĩ Hàn Châu, trước năm 1975 có bài “Về quê ngoại” để tri ân miền Hoài Nhơn với những ca từ mộc mạc, đầy ắp yêu thương: “Anh xin mời em đi về miền quê xa lắc lơ, nơi quê hương anh có hàng dừa xanh, có ngàn câu hò thắm tình dân tộc”… Những người dân quê sống lâu đời ở vùng đất này không nhớ cây dừa đến với họ từ khi nào; chỉ biết khi lớn lên đã thấy bóng dừa vây quanh như lũy, như thành. Những rừng dừa cứ đội nắng đội mưa vươn lên xanh tươi ấp ủ bao xóm làng quê trù phú, bốn mùa cho trái ngọt, mát lành.

 

Cầu Bồng Sơn. Ảnh: internet
Cầu Bồng Sơn. Ảnh: internet

Người xứ dừa bên dòng Lại giang cởi mở và chân tình; con gái Tam Quan-Bồng Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp chân phương cùng làn da trắng má hồng và mái tóc đen dài, mượt mà như dòng suối chảy. Có phải chăng những thôn nữ ấy do uống nước dừa tinh khiết quanh năm, như lời người đồn thổi(?). Tôi có người bạn, nguyên là cô giáo dạy Văn, nhà ở bên dòng Lại giang rợp bóng dừa, năm nay đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn giữ được nét đẹp của thời thanh xuân. Tôi hỏi, bí quyết nào để kéo dài tuổi xuân? Không biết thật hay đùa, cô chỉ tay về phía rừng dừa lúc lỉu những buồng trái ngọt mà mỉm cười đầy bí ẩn.

Ngày nay, cây dừa đã thực sự trở thành thế mạnh của Tam Quan-Bồng Sơn. Bên cạnh việc mở rộng diện tích dừa, người ta còn thay thế giống dừa ta thân cao bằng giống dừa xiêm lùn da xanh có năng suất cao hơn, rất thích nghi với vùng đất này. Ngoài việc cung cấp dừa trái uống nước, người dân nơi đây còn phát triển nhiều nghề gắn bó với cây dừa, như: sản xuất tinh dầu dừa, thảm xơ dừa, bánh tráng dừa… đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Như bao dải đất miền Trung khác, Hoài Nhơn có những rặng núi từ dãy Trường Sơn choài chân ra biển, bao bọc lấy một vùng quê đa dạng ngành nghề với nông-lâm-ngư nghiệp. Ngoài rặng núi Bồng như vòng tay khổng lồ ôm ấp những xóm thôn xanh ngắt bóng dừa, dòng Lại giang mang phù sa bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ rồi lặng lẽ đổ ra cửa An Dũ, tô thêm cho bức tranh đồng quê êm ả, hữu tình. Ngày xưa, những bờ xe nước dọc theo hai bờ sông Lại này tưới mát một vùng quê rợp bóng dừa với những câu hò giao duyên của bao chàng trai cô gái nơi đây. Câu hát xưa như còn vương vấn đâu đây: “Những chiều qua cầu Bồng Sơn/Ngắm dòng sông Lại xanh rờn bóng quê/Thuyền ai ngược gió đi về/Bờ xe nước đợi, câu thề còn vương…”.

Về phía Đông Bắc Hoài Nhơn, chúng ta gặp một vùng biển Tam Quan trải dài hàng chục cây số với những làng chài trù phú, có cảng cá Thiện Chánh tấp nập ghe thuyền ra vào. Người dân khắp nơi thường biết đến đặc sản nước mắm Tam Quan nức tiếng và da cá nhám khô chế biến thành các món gỏi hấp dẫn trong thực đơn của người miền biển. Biển Tam Quan còn có nhiều địa danh thích hợp cho các phượt thủ khám phá, như: mũi Gành (Hòa Hải), bãi cát Bang Bang (Hoài Mỹ) hay Hang Yến…

Đến Hoài Nhơn, xứa dừa thơ mộng, ta không thể không nhắc đến danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (1572-1634). Khi vào xứ Đàng Trong, ông đã chọn thôn Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn (ngày nay là xã Hoài Thanh Tây) để định cư. Từ đây, ông đã đem tài lương đống của mình ra giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên mở mang bờ cõi về phương Nam. Ghi nhớ công ơn của bậc tiền nhân có công mở mang đất Việt, đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ được xây dựng ở Hoài Nhơn và được Nhà nước công nhận là Di tích cấp quốc gia (năm 1994).

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.